Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ban hành kết quả khảo sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản (đá, cát, sỏi) làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba - 24/09/2024 05:11 2.212 0
Ngày 20/9/2024, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ban hành kết quả khảo sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản (đá, cát, sỏi) làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh tại 7/18 điểm mỏ khoáng sản của các chủ đầu tư đã được cấp phép.  
ksmodacatsoi
 
Qua khảo sát cho thấy, kết quả, sau khi điều chỉnh, bổ sung toàn tỉnh hiện quy hoạch có 71 diện tích thuộc 50 điểm mỏ cát, sỏi với tổng trữ lượng, tài nguyên: 17,93 triệu m3; 22 diện tích thuộc 19 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng, tài nguyên 332,49 triệu m3; các mỏ khoáng sản đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ .

Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh có 24 giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đang còn hiệu lực do UBND tỉnh cấp, cụ thể: 12 giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông (trong đó: 11 điểm mỏ đang hoạt động với tổng diện tích 100,3 ha, tổng trữ lượng được cấp phép 2.199.664 m3, công suất khai thác 228.000 m3/năm; 12 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó: 07 điểm mỏ đang hoạt động với tổng diện tích 63,68 ha, tổng trữ lượng được cấp phép: 7.459.792 m3, công suất khai thác 749.520 m3/năm); 05 điểm mỏ chưa đi vào hoạt động). Tổng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp hàng năm trên địa bàn tỉnh ước khoảng 3,8 triệu m3/năm. Hiện nay tổng công suất có thể huy động đối với 13 mỏ đã cấp giấy phép hoạt động làm vật liệu đất san lấp là 1,37 triệu m3/năm (chưa tính 02 mỏ cấp theo cơ chế đặc thù đang thực hiện các quy trình cấp phép khai thác mỏ); còn lại huy động đất san lấp từ các dự án nạo vét lòng hồ thuỷ lợi và nạo vét lòng sông khơi thông dòng chảy. Tổng nhu cầu đá làm vật liệu xây dựng hàng năm trên địa bàn tỉnh ước khoảng 1,9 triệu m3/năm (đá thành phẩm). Hiện nay khả năng cung ứng đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn hiện nay của 07 giấy phép đã được cấp phép khai thác và đưa vào khai thác với tổng công suất 749.520 m3/năm (nguyên khối) tương ứng khoảng 1,349 triệu m3 thành phẩm/năm; 05 giấy phép khai thác đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nhưng chưa đưa vào hoạt động với tổng công suất suất 635.000 m3/năm (nguyên khối) tương ứng khoảng 1,143 triệu m3 thành phẩm/năm. Ngoài ra, hiện nay một số mỏ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc nghiên cứu khảo sát, các nhà đầu tư đang triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định. Tổng nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 1,468 triệu m3/năm. Khả năng cung ứng cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn hiện nay của 11 giấy phép đã được cấp phép khai thác và đưa vào khai thác với tổng công suất 228.000 m3/năm; ngoài ra, nguồn cát làm vật liệu xây dựng thông thường còn được cung cấp từ sản phẩm nạo vét các lồng hồ thủy điện chủ yếu trên địa bàn Hướng Hóa, Đakrông (5 giấy phép) với tổng trữ lượng khoảng 1,6 triệu m3.

Công tác quản lý,  thẩm định, tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản VLXD thông thường được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật. Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 30/6/2020 về Bảng giá tính thuế tài nguyên hiện đang áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo các quy định hiện hành. Sở Xây dựng định kỳ hàng tháng ban hành công bố giá vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn theo các quy định hiện hành. Chính quyền địa phương đã thường xuyên phối hợp với các ngành chủ quản, đơn vị trong hoạt động quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản. Trong quá trình khai thác khoáng sản, các chủ đầu tư đã chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, đã tạo được mối quan hệ tốt với địa phương, giải quyết việc làm và đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, nông thôn mới tại các địa phương. Tổng số tiền thuế tài nguyên, phí BVMT, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản các chủ đầu tư nộp ngân sách từ năm 2022 đến ngày 31/8/2024 là 123.960,665 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua khảo sát chuyên đề nhận thấy do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, phần lớn các mỏ khoáng sản VLXD (cát, sỏi lòng sông) đều không khai thác hết công suất và trữ lượng được cấp phép; riêng nhu cầu đối với vật liệu cát xây dựng khả năng cung cấp vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường tại một số thời điểm trong năm (theo số liệu khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng). Công tác quy hoạch mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường nói riêng và khoáng sản nói chung trên địa bàn tỉnh với số lượng khá lớn nhưng số lượng mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường (đá, cát sỏi) được cấp phép đi vào hoạt động khai thác còn ít. Một số loại khoáng sản làm VLXD thông thường theo đơn giá tính thuế tài nguyên của tỉnh ban hành đang áp dụng theo Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 30/6/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị có mức giá thấp hơn các tỉnh lân cận trong khu vực (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) như sỏi, sạn các loại; đá học, đá cấp phối; cát vàng trong xây dựng; đất làm gạch, ngói. Một số chủ đầu tư trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản VLXD cát sỏi lòng sông chưa thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan về khai thác. Trong 11 mỏ cát sỏi lòng sông đang cấp phép hoạt động, có 06 mỏ chưa thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy và 08 mỏ chưa đăng ký công bố giá cho Sở Xây dựng để quản lý; có 01/07 mỏ đá chưa đăng ký công bố giá. Phần lớn các mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông chủ đầu tư chưa công khai, niêm yết giá bán theo quy định của Luật Giá; chưa tuân thủ cắm biển báo khu vực khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành của Luật Khoáng sản 2010 và quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Pháp luật về Giao thông đường thủy nội địa; việc đầu tư khai thác tại một số mỏ cát sỏi lòng sông còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ để nâng cao giá trị hàng hóa cạnh tranh. Nhiều chủ đầu tư chậm nộp và nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho ngân sách 12.097,9 triệu đồng (chậm nộp 7 tháng đầu năm 2024 là 11.899,418 triệu đồng; năm 2023 trở về trước 198,482 triệu đồng).

Kết luận chương trình khảo sát, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị cơ quan giám sát HĐND các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp giám sát thực hiện chuyên đề này theo quy định tại Điều 87, 104, 109, 112 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi năm 2019. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ, giám sát, quản lý việc cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ khoáng sản làm VLXD thông thường tại một số thời điểm ở một số địa phương trong tỉnh, làm tăng chi phí xây dựng công trình; Tổ chức đánh giá lại trữ lượng cấp phép các mỏ khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trước khi cho phép gia hạn mỏ hoặc cấp mới khai thác mỏ (tránh trường hợp sau khi gia hạn chủ mỏ không khai thác được do trữ lượng không đủ như mỏ cát, sỏi BH3, xã Linh Trường, huyện Gio Linh và xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh do Công ty TNHH MTV Lào Việt Asean làm chủ đầu tư). Chỉ đạo kiểm tra, thanh tra chuyên đề hoạt động khai thác đối với các chủ đầu tư theo công suất cấp phép để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản và tránh thất thu thuế đảm bảo đầy đủ theo quy định. Chỉ đạo rà soát, nghiên cứu trình điều chỉnh lại đơn giá tính thuế tài nguyên một số loại khoáng sản quy định để tiệm cận đơn giá tính thuế tài nguyên của các tỉnh lân cận có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng với tỉnh Quảng Trị. Xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành Quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ; Chỉ đạo Sở Xây dựng cùng với Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn, thực hiện việc công khai, kê khai giá, niêm yết giá VLXD đối với các doanh nghiệp khai thác để chấp hành đầy đủ quy định theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Giá năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Đồng thời đề nghị các Sở ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thực hiện và tham mưu UBND tỉnh khắc phục các khó khăn, hạn chế nêu trên để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đối với công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản (đá, cát, sỏi) làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh./.

Tin, ảnh: Minh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay6,160
  • Tháng hiện tại173,797
  • Tổng lượt truy cập10,376,443
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây