Một số vấn đề cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách ở tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 19/06/2023 05:44 550 0
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 nhận thấy, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ngày càng có vai trò quan trọng đối với hoạt động của HĐND. Bản thân cán bộ hoạt động chuyên trách có thời gian, không gian, môi trường làm việc thuận lợi để nghiên cứu chuyên sâu, nắm chắc các quy định của pháp luật, từ đó giúp đại biểu phát huy được kỷ năng, bản lĩnh công tác; là cầu nối xử lý thông tin kịp thời giữa hoạt động của HĐND với cử tri và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của địa phương thông qua hoạt động khảo sát, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân... qua đó ngày càng góp phần nâng cao vai trò, vị thế của HĐND là cơ quan quyền lực ở địa phương.
 
Một số vấn đề cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách ở tỉnh Quảng Trị
                        Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo các ban HĐND tỉnh ra mắt tại kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa VIII

Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13
xác định: đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được quy định là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật. Đại biểu chuyên trách là những người được cử tri bầu cử ra, sau đó được HĐND bầu giữ các chức vụ của HĐND và hoạt động chuyên trách. Là người đại diện cử tri, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.


Đầu nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Quảng Trị có 50 đại biểu, trong đó cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách gồm 02 Phó Chủ tịch HĐND, 02 Trưởng Ban (01 Kinh tế Ngân sách và 01 Pháp chế), 05 Phó Trưởng ban (02 Phó Ban VHXH, 01 Phó Ban Pháp chế, 01 Phó Ban Dân tộc và 01 Phó Ban Kinh tế Ngân sách). Các đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách được lựa chọn trong số đại biểu đáp ứng các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết, chuyên môn phù hợp trên các lĩnh vực. Để nâng cao kỷ năng cho đại biểu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Nội vụ và Ban Công tác đại biểu của Quốc hội tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND tỉnh về các chuyên đề nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu như kỹ năng tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, trách nhiệm của đại biểu đối với hoạt động tiếp công dân….

 
img 0049
Phiên họp thứ 17, Thường trực HĐND tỉnh khóa VIII

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 17 kỳ họp, ban hành hơn 250 Nghị quyết; Thường trực HĐND tổ chức 26 phiên họp; hàng năm tổ chức trên 10 hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, Ban HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật. Tại các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND, vai trò của đại biểu chuyên trách được thể hiện rõ trong việc tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng như thực hiện chức năng giám sát các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cán bộ chuyên trách phải nghiên cứu, nắm bắt thông tin chuyên sâu và kịp thời mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trong tình hình mới.

Đối với hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp thành các nhóm vấn đề gửi đến kỳ họp HĐND tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao, đại biểu chuyên trách sớm tiếp cận các văn bản kỳ họp và dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung cho hoạt động chất vấn và thảo luận; đồng thời thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với các đề án, tờ trình do các cơ quan, đơn vị trình kỳ họp đã góp phần tạo nên thành công của các kỳ họp. Nhiều đại biểu hoạt động chuyên trách tham gia thảo luận và chất vấn đối với UBND và các ngành đối với các vấn đề bức xúc tại địa phương, do đó hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra ngày càng chất lượng, thực chất, thu hút được cử tri theo dõi, quan tâm và đánh giá cao.

 
Bên cạnh đó vai trò của đại biểu HĐND chuyên trách được thể hiện trong hoạt động tiếp xúc cử tri. Sau gần nữa nhiệm kỳ hoạt động nhận thấy, hầu hết đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách rất tâm huyết và tích cực tiếp xúc cử tri để lắng nghe, tổng hợp, theo dõi, bám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp gửi đến Thường trực HĐND để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị tập trung giải quyết có hiệu quả.
 
img 0164
                                      Đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách tiếp Công đân định kỳ tại trụ sở cơ quan HĐND tỉnh

Công tác tiếp dân của đại biểu HĐND chuyên trách được duy trì thường xuyên vào ngày 21 hàng tháng theo Quy chế tiếp công dân do Thường trực HĐND tỉnh ban hành. Thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được đại biểu chuyên trách tổng hợp, theo dõi, nắm rõ các thông tin để yêu cầu, kiến nghị các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết và có báo cáo kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri và người dân; khi thấy cần thiết đề xuất Thường trực HĐND, các ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND tổ chức giám sát, chất vấn đối với các cơ quan liên quan.

 
img 7097
Cán bộ công chức nhân viên cơ quan HĐND tỉnh chào cờ đầu tuần tại trụ sở cơ quan
 
Có thể khẳng định đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách có vai trò rất quan trọng, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách còn những khó khăn nhất định đó là: Hiện nay Trung ương chưa có quy định hướng dẫn cụ thể chính sách đãi ngộ đối với đại biểu HĐND chuyên trách; vị trí pháp lý và vai trò của đại biểu hoạt động chuyên trách đã được pháp luật quy định nhưng quyền hạn và trách nhiệm chưa tương xứng với vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; điều kiện, phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng 4.0, từ đó chưa khuyến khích đại biểu chuyên trách cng hiến hết khả năng của mình trên cương vị được giao. Việc điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ hoạt động chuyên trách ở các Ban gặp nhiều khó khăn.
 
Để đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ngày càng phát huy được vai trò, vị trí của mình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND thiết nghĩ cần có một số giải pháp như sau:
Một là. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, trước mỗi kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, Trung ương cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy đối với các Ban HĐND tỉnh, thông qua đó để phát huy và nâng cao vai trò, vị trí của các Ban HĐND trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định của HĐND đối với các vấn đề quan trọng của địa phương.
 
Hai là. Hàng năm đề nghị Ban công tác đại biểu của UBTV Quốc hội cần tăng cường tổ chức thêm các hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách; hội nghị triển khai các Hướng dẫn của UBTVQH về hoạt động của HĐND các cấp liên quan đến các quy định hiện hành, nhất là việc phân cấp quyết định các vấn đề của địa phương cho HĐND, Thường trực HĐND.

Ba là: Cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND trong công tác thi đua, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp trong hoạt động của HĐND; quy định và hướng dẫn cụ thể chính sách đãi ngộ đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách... để thu hút cán bộ giỏi, có kinh nghiệm về công tác chuyên trách tại HĐND. Đồng thời có quy định cụ thể về việc đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (Trưởng ban, Phó Trưởng các ban HĐND) khi bị kỷ luật Đảng dẫn đến kỹ luật về mặt nhà nước nhưng chưa đến mức HĐND tỉnh phải cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu chuyên trách hoặc bãi nhiệm đại biểu chuyên trách như hiện nay.
Bốn là. Ban HĐND tỉnh là cơ quan tương đương cấp Sở nhưng việc bố trí công chức tham mưu, phục vụ cho Ban HĐND tỉnh chưa được xác định cụ thể trong biên chế được giao của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND, do đó để chủ động trong công việc tham mưu, giúp việc thường xuyên cho các Ban HĐND tỉnh, Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể số lượng công chức Văn phòng thường xuyên tham mưu, giúp việc đối với các Ban HĐND tỉnh để giúp các ban và công chức được giao nhiệm vụ chủ động trong hoạt động của mình theo luật định.
                                                                                                          TRÚC PHƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay17,588
  • Tháng hiện tại221,289
  • Tổng lượt truy cập9,174,369
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây