Nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh

Thứ tư - 07/06/2023 08:10 585 0
Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng nhân dân tỉnh thể hiện dưới hai hình thức là hoạt động giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Qua hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh có thể kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của các quyết nghị đã được thông qua, kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn tồn tại, hạn chế và đề xuất các kiến nghị, giải pháp khắc phục.
 
Trong những năm qua, hoạt động giám sát thường xuyên của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện đạt hiệu quả cao. Công tác giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh luôn được chú trọng. Ngoài việc thẩm tra báo cáo của các ngành để phục vụ kỳ họp, giám sát thông qua hoạt động thảo luận tổ đại biểu, thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã tổ chức nhiều phiên làm việc để nghe và cho ý kiến về kết quả công tác của các ngành trong 06 tháng và cả năm; thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân để nắm bắt thông tin, hoạt động, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn của các ngành, địa phương, kịp thời chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế hoặc đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
 
dien gio 1


Công tác giám sát chuyên đề thực hiện đúng quy trình và đạt được những kết quả tích cực. Bình quân mỗi năm, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện khoảng 12 chuyên đề và trực tiếp làm việc với hơn 150 cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, trong đó năm 2022 Hội đồng nhân dân tỉnh đã giám sát 14 chuyên đề và đưa ra 103 kiến nghị, đề xuất. Hoạt động giám sát được thực hiện chủ động, tích cực, ngày càng đổi mới. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực thuộc thẩm quyền, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức tiến hành giám sát đã có những cải tiến nhất định, kết hợp nghe báo cáo với xem xét thực tế tại địa phương, cơ sở, tìm hiểu khai thác thông tin phục vụ yêu cầu giám sát qua nhiều kênh khác nhau, từ đó thu thập nhiều thông tin có tính thời sự, phục vụ hoạt động giám sát. Vì vậy, hiệu quả giám sát từng bước được nâng lên, nhiều kiến nghị giám sát đã được các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu giải quyết. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát, Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã có thêm những căn cứ thực tiễn để phục vụ cho việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết và kịp thời kiến nghị với các cơ quan liên quan về những giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, kết quả giám sát của Thường trực, các Ban đã cung cấp thêm thông tin cho đại biểu để Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ sở thảo luận, chất vấn, xem xét và biểu quyết các nội dung tại kỳ họp. Nhiều nghị quyết được xây dựng trên cơ sở kết quả giám sát đã thực sự có sức lan tỏa đối với cộng đồng, làm thay đổi tích cực về chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, được nhiều cơ quan, địa phương đánh giá cao, tổ chức thực hiện có hiệu quả và đạt được sự đồng thuận cao trong cử tri, Nhân dân. 
 
img 0089

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám sát vẫn còn những khó khăn, hạn chế, tồn tại nhất định như: Tiến độ giám sát một số chuyên đề đôi khi còn chậm; nội dung giám sát một số chuyên đề có khi còn quá vĩ mô hoặc quá cụ thể, chi tiết, chưa sát tình hình thực tế, tính thời sự chưa cao; sự tham gia của thành viên đoàn giám sát tại một số phiên làm việc còn ít; vẫn còn trường hợp kết luận giám sát chung chung, nể nang, ngại va chạm, kiến nghị đề xuất chưa thực sự đúng trọng tâm, trọng điểm; công tác đôn đốc, “đeo bám” đến cùng việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát chưa được chú trọng thực hiện thường xuyên, quyết liệt; công tác giám sát việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân qua các đợt giám sát, khảo sát và giám sát việc thực hiện lời hứa, ghi nhận của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở, ngành tại các kỳ họp chưa được quan tâm.
 
thu hoi dat 3

Để nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới thì cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tại kỳ họp, nhất là chất lượng hoạt động thảo luận tổ, thảo luận hội trường và hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Cải tiến cách thức điều hành phiên họp sao cho cả người chất vấn lẫn người trả lời chất vấn đều có sự chuẩn bị, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, tránh hỏi chiếu lệ, trả lời qua loa.
Thứ hai, việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, tránh dàn trãi. Mỗi năm hường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh nên lựa chọn một đến hai chuyên đề lớn mang tính thời sự, có trọng tâm, trọng điểm, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của phần đông cử tri, Nhân dân như: những chương trình, dự án, chính sách; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, cải cách thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường…
Thứ ba, thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát đảm bảo thống nhất, hạn chế chồng chéo về thời gian, địa bàn, đối tượng giám sát. Thành phần tham gia đoàn giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cần mời thêm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại địa phương và những người am hiểu về lĩnh vực giám sát. Đề cương giám sát phải được xây dựng chi tiết, tạo điều kiện cho cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo đúng nội dung, yêu cầu. Quá trình triển khai giám sát tại các địa phương được các cơ quan liên quan, địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.
Thứ tư, hoạt động giám sát đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và công tâm, đánh giá đúng những kết quả đối tượng giám sát làm tốt, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, xác đáng, phù hợp, khả thi để các ngành, các cấp, các đơn vị địa phương có thể tổ chức thực hiện (trước mắt và lâu dài).
Thứ năm, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và giám sát thực hiện kiến nghị, đề xuất của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh sau giám sát và việc thực hiện lời hứa, ghi nhận trong phiên chất vấn của các đại biểu tại các kỳ họp. Kết hợp giám sát mới để nghe báo cáo về việc thực hiện kiến nghị giám sát cũ; kết hợp làm việc với các ngành về các vấn đề chuẩn bị phục vụ kỳ họp để nghe báo cáo việc thực hiện kiến nghị, đề xuất cũng như việc thực hiện các lời hứa, ghi nhận tại phiên chất vấn.
Thứ sáu, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giám sát, nhất là giám sát chuyên sâu theo từng lĩnh vực để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đặc biệt là thành viên của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.
Ánh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập45
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay6,616
  • Tháng hiện tại177,611
  • Tổng lượt truy cập10,380,257
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây