Ban kinh tế - ngân sách HĐND làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh

Thứ ba - 19/05/2020 04:12 1.512 0
Ngày 14/5/2020, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh về tình hình triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về Đề án tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; công tác quản lý nhà nước về thực hiện các thủ tục môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; kết quả kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về chấp hành công tác bảo vệ môi trường theo báo cáo phê duyệt tác động môi trường tại các cơ sở khai thác khoáng sản. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Trần Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách; đại diện Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư cùng một số đơn vị liên quan. Đồng chí Nguyễn Đăng Ánh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì buổi làm việc.
Ban kinh tế - ngân sách HĐND làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trần Huy -TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018, Văn phòng đăng ký đất đai đã tham mưu sở TNMT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án từ năm 2018 đến 2021 với tổng kinh phí hơn 47 tỷ đồng. Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2018 - 2019 với tổng kinh phí gần 11,5 tỉ đồng. Tuy vậy, đến nay UBND tỉnh chỉ mới cấp kinh phí 2 tỉ đồng, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện đề án. Trụ sở làm việc và kho lưu trữ của văn phòng tỉnh và các chi nhánh chật hẹp, một số nơi bị thấm dột, không đảm bảo điều kiện làm việc, có nguy cơ cao về hư hỏng, thất thoát hồ sơ như chi nhánh Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong. Trang thiết bị phục vụ công tác lưu trữ không được đầu tư mua sắm nên công tác chỉnh lý, sắp xếp, quét bảo quản tài liệu hầu như không thực hiện được, gây nguy hại đến tuổi thọ và độ an toàn lâu dài của tài liệu. Chưa được cấp kinh phí thực hiện công tác bảo quản và tiêu hủy hồ sơ tài liệu đã hết hạn lưu trữ.

Về công tác quản lý nhà nước về thủ tục môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, từ năm 2018 đến nay Sở TNMT đã tiếp nhận, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt 16 hồ sơ môi trường lĩnh vực khoáng sản; hầu hết các hồ sơ đều được xử lý theo đúng hoặc rút ngắn thời gian so với quy định trong thủ tục hành chính đã ban hành. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 cơ sở có giấy phép khai thác khoáng sản đang hoạt động với tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh đến thời điểm tháng 4/2020 là gần 9,2 tỉ đồng. Có 9 đơn vị nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp với tổng số tiền gần  127 triệu đồng.

Hằng năm, Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Năm 2019, đã phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tài nguyên và môi trường đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm 4 đơn vị khai thác titan, 1 khai thác cát trắng, 4 khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; tổ chức kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản 2 đơn vị. Qua kiểm tra đã phát hiện các sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 216 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, tồn tại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy chia sẻ những khó khăn của Văn phòng đăng ký đất đai trong việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018, đồng thời lưu ý các sở, ngành khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết phải tính đến việc đảm bảo nguồn lực, tránh tình trạng nghị quyết ban hành nhưng không đảm bảo ngân sách để thực hiện.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở TNMT làm việc với UBND tỉnh để bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Đề án. Đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, đề nghị đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Kiểm soát chặt chẽ đánh giá tác động môi trường của các hoạt động khai thác khoáng sản; kiên quyết không cấp phép đối với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng môi trường; rà soát những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tin, ảnh: Mỹ Hiên

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay4,285
  • Tháng hiện tại178,538
  • Tổng lượt truy cập10,381,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây