Thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh khóa VIII.

Thứ sáu - 06/12/2024 02:28 87 0
Chiều ngày 04.12.2024, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 28, đại biểu HĐND tỉnh chia thành 4 tổ và tiến hành phiên thảo luận. Trên tinh thần sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình.
img 0051
 
Tại phiên thảo luận các đại biểu HĐND tỉnh cùng đại diện các cơ quan, đơn vị đã có 32 lượt phát biểu với 65 ý kiến. Các ý kiến thảo luận cơ bản thống nhất cao nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, đề án trình kỳ họp thứ 28.
 
Đa số đại biểu đồng tình với báo cáo số 314/BC-UBND ngày 03/12/2024 của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2025: Năm 2024 được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi hơn những năm trước, tuy nhiên vẫn còn 04/18 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kế hoạch đặt ra năm 2024 là 6,5-7%, nhưng thực tế đạt được 5,97%, chỉ số tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng đạt thấp, kéo theo tốc độ phát triển thấp, nguyên nhân do các chương trình, dự án triển khai còn trì trệ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu, thu ngân sách còn hạn chế, còn nhiều tồn tại trong công tác điều hành đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng làm chậm quá trình triển khai các dự án đầu tư. Đề nghị tỉnh có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu hoàn thành, tiệm cận các mục tiêu đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
 
img 0056

Đối với lĩnh vực kinh tế, một số đại biểu đề nghị tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo các nguồn vốn được sử dụng hiệu quả. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân ở các xã về đích nông thôn mới như: đầu tư phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ những chính sách trước đây người dân được hưởng khi xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình dự án, có giải pháp đối với các dự án chậm triển khai…

Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, một số đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y tế thôn bản, khu phố; bố trí đủ, đúng số lượng biên chế cho ngành giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất trường học để đảm bảo cho công tác dạy học; việc sáp nhập trường lớp học, không nên sáp nhập theo hướng cơ học, nên lựa chọn địa bàn, cơ sở vật chất có đủ điều kiện để sáp nhập; quan tâm hỗ trợ kịp thời kinh phí thực hiện các nội dung Nghị quyết 167/NQ-HĐND 09/12/2021 về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025; quan tâm thúc đẩy việc thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo trên toàn tỉnh…

 
img 0068

Đối với lĩnh vực pháp chế, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết số 1281/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của UBTVQH về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và cơ sở vật chất liên quan; tích cực triển khai thực hiện các chính sách cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để hạn chế vi phạm pháp luật, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực dân tộc, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất rừng sản xuất; quyết liệt trong công tác thu hồi đất các đơn vị, doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm việc chồng lấn đất đai và thu hồi đất của các doanh nghiệp không sử dụng đất hoặc sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai để thực hiện chính sách
hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy mô trường lớp cho các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, đồng thời có giải pháp để các em học sinh đã tốt nghiệp THCS được theo học nội trú tỉnh và các trường PTTH hoặc các trường dạy nghề, tránh trường hợp các em thất học, lêu lỏng dễ rơi vào ma túy và tệ nạn xã hội.

 
img 0073

Đối với các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp, về cơ bản, đa số đại biểu thống nhất về số lượng, nội dung các Nghị quyết trình kỳ họp. Đa số các đại biểu đánh giá cao về công tác chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh, công tác thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh. 

Phiên thảo luận Tổ đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, thiết thực. Các ý kiến này sẽ là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh hoàn thiện các giải pháp, nghị quyết, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.


Tin, ảnh: Mai Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay6,166
  • Tháng hiện tại173,803
  • Tổng lượt truy cập10,376,449
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây