Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát các chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2022 tại Sở Tài nguyên và Môi trường

Thứ ba - 21/06/2022 02:52 611 0
Vào ngày 20/6/2022, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có buổi giám sát các chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2022 tại Sở Tài nguyên và Môi trường về: Tình hình triển khai và kết quả cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tình hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích theo quy định của Luật đất đai 2013. Tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021.
 
Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát các chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2022 tại Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham dự và chỉ đạo buổi làm việc có đồng chí Lê Quang Chiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các thành viên Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh.

Qua buổi làm việc nhân thấy: Đối với Dự án Đo vẽ lại bản đồ địa chính, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp lại, cấp đổi, cấp mới giấy CNQSD đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư 06 dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 116,227 tỷ đồng bố trí từ nguồn ngân sách trích 10% nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo cơ chế tài chính tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh để thực hiện nội dung theo Chỉ thị 1474/CT-TTg ngày  24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy CNQSD đất, sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Các dự án được triển khai thực hiện tại các xã, thị trấn thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà và một số xã điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính như xã Ba Lòng, xã  A Bung thuộc huyện Đakrông, xã Lìa thuộc huyện Hướng Hóa. Các địa phương sau khi thực hiện Dự án đều có bộ bản đồ và hồ sơ địa chính đồng bộ, chính xác, thống nhất mang lại hiệu quả cao trong việc kết nối, khai thác chia sẽ dữ liệu thông tin địa chính phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cấp, các ngành góp phần lớn trong việc thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như trong toàn tỉnh.  Đến nay, tiến độ đo đạc, chỉnh lý lập bản đồ địa chính thực hiện Dự án đảm bảo thời gian phê duyệt theo thiết kế kỹ thuật-dự án; tuy nhiên, riêng công tác cấp giấy CNQSD đất thực hiện không đạt thời gian phê duyệt, phải gia hạn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành với nhiều lý do khách quan và chủ quan; tổng kinh phí giải ngân cho các dự án giai đoạn 2016-2021 là 138,273 tỷ đồng; trong đó, thanh toán giải ngân cho 6 dự án phê duyệt trong giai đoạn  2015-2021 là 56,863 tỷ đồng, đạt 48,92% dự toán(56,863/116.227 tỷ đồng); thanh toán nguồn nợ đọng còn lại các dự án hoàn thành giai đoạn trước 81,409 tỷ đồng.

 
image003 4

Đối với công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh được xác định: Tổng diện tích đất công ích trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đến nay là 1.214,09 ha; trong đó, mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm 921,69 ha; đất trồng cây lâu năm 4,37 ha; đất nuôi trồng thủy sản 133,81 ha; đất nông nghiệp còn lại 154,82 ha. Hình thức sử dụng cho thuê 1.130,49 ha; cho mượn 78,31 ha; UBND xã đang quản lý 5,29 ha. Diện tích theo thời gian sử dụng hàng năm: 324,67 ha; thời gian 5 năm 648,04 ha, trên 5 năm: 13,74 ha; không xác định thời gian 227,64 ha. Quỹ đất công ích trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng để sử dụng vào mục đích công cộng tại địa phương; cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuê đã giải quyết được việc làm cho người lao động, tăng thu nhập; giải quyết được nhu cầu về đất xây dựng các công trình công cộng, tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất khi nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích công cộng và hoán đổi đất cho người dân.

Qua giám sát cho thấy, thực trạng hiện nay quỹ đất công ích 5% là những diện tích đất nằm phân tán, không quy hoạch thành khu, vùng tập trung mà rải rác, xen kẹp trong khu dân cư, ven thôn, bản, làng. Một số diện tích đất công ích nhỏ lẻ lằm lẫn trong diện tích đất giao ổn định của các hộ gia đình cá nhân, khó thể hiện trên bản đồ và chưa thống kê đầy đủ. Nhiều địa phương không năm chắc được thực tế quỹ đất công ích trên địa bàn. Việc thống kê và kê khai đất công ích còn tình trạng sai lệch giữa tỉnh, huyện và các xã trong tỉnh. Công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất công ích còn buông lỏng.  Một số xã, phương, thị trấn trong tỉnh cho thuê đất sử dụng không mục đích và không đúng đối tượng như cho thuê hoạt động thương mại, dịch vụ…; cho thuê và chấm dứt hợp đồng không đúng thời gian quy định; còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công ích; thuê rồi cho thuê lại, chuyển mục đích sử dụng đất công ích trái pháp luật gây thất thu cho ngân sách; cho thuê và sử dụng nguồn thu cho thuê đất không chú trọng đúng mục đích công ích theo quy định của Luật Đất đai mà sử dụng cân đối chung cho nhiệm vụ chi ngân sách cấp xã. Quỹ đất công ích của tỉnh ngày càng giảm dần diện tích do chuyển mục đích vào các mục đích phi nông nghiệp; các địa phương chưa có sự chỉ đạo rà soát đất khai hoang, đất hộ gia đình trả lại, đất nông nghiệp thu hồi để bổ sung vào quỹ đất công ích do đó khó khăn cho địa phương khi có nhu cầu xây dựng các công trình công ích.

 
image001 3

Đối với tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giải quyết, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch tạo được sự đồng thuận thống nhất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Công tác giải phóng mặt bằng đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; ở cấp tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng với nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án; ở cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng do dồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban; thành lập các Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thực hiện. Kết quả nhiều dự án án lớn do tỉnh quản lý liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện trong giai đoạn này điển hình như: Mở rộng Quốc lộ 1A, đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường dây 500 Kv mạch 3 Quảng Trạch-Dóc Sỏi, đường dây 220 Kv Đồng Hới - Đông Hà, Đông Hà - Huế, Đông Hà - Lao Bảo, đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam, Bến cảng CFG Nam Cửa Việt, Khu Cửa hàng Xăng dầu Hải Hà, các dự án điện mặt trời, các dự án điện gió, các dự án BIIG2 trên địa bàn tỉnh, Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1, dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và Logistic khu kinh tế Đông Nam, kho cảng xăng dầu Việt Lào và nhiều nhự án quan trọng khác…

Khó khăn, vướng mắc trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn này do biến động giá cả đất đai ở địa phương chưa cập nhật kịp thời; giá bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất chưa theo kịp giá thị trường; việc quy hoạch, xây dựng các khu tái định cư chưa có hoặc thường  làm chậm, ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và gây khó khăn cho người dân bị thu hồi đất..

Những nội dung liên quan trên, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh kết luận tiếp thu và tổng hợp chung để làm cơ sở xem xét đề xuất Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến tại buổi làm việc với UBND tỉnh sắp đến và báo cáo với HĐND tỉnh vào kỳ họp thường kỳ giữa năm 2022./.
                                                            Người đưa tin và ảnh: Minh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập121
  • Hôm nay22,658
  • Tháng hiện tại355,587
  • Tổng lượt truy cập6,929,804
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây