Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa VIII

Thứ năm - 07/07/2022 04:51 600 0
Ngày 5/7/2022, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang chủ trì làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các Ủy viên Thường trực HĐND, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND, Trưởng phòng Công tác HĐND, Trưởng phòng Thông tin Công tác đại biểu tham dự làm việc.
 
Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ Mười, HĐND tỉnh khóa VIII
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp, 6 tháng đầu năm sản lượng lương thực có hạt ước đạt 123.256,6 tấn, giảm 47.310,8  tấn so với cùng kỳ; đạt 47,4% kế hoạch năm 2022; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 16.851,60 tấn, giảm 1.302,41 tấn so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,96 %, kế hoạch năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 27.311 tấn, đạt 55,7% kế hoạch năm 2022, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021 (22.769 tấn); tổng sản lượng khai thác rừng trồng ước đạt khoảng: 500.000 m3, tăng khoảng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 50% kế hoạch năm 2022; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 50%; trồng rừng tập trung đạt 3.486 ha đạt 49,8% KH, trồng cây phân tán đạt 1.573.000 cây (đạt 62,9% kế hoạch);  tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 62,4% (63/101 xã); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu 1,9% (2/101 xã); chuyển mục đích sử sụng rừng và đất lâm nghiệp của 09 dự án với tổng diện tích đề nghị chuyển đổi 146,9602 ha (đất có rừng trồng 109,1943 ha, đất trống quy hoạch lâm nghiệp 37,7659 ha).

Về kết quả thực hiện các phương án sản xuất: Trên 90% diện tích sản xuất sử dụng giống lúa mới, đảm bảo phẩm cấp; diện tích lúa chất lượng cao ước đạt 20.800 ha, đạt trên 80% diện tích gieo trồng; diện tích sản xuất lúa cánh đồng lớn ước đạt 6.160 ha. đạt 61% so với kế hoạch năm (KH: 10.000 ha); diện tích lúa canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên, sản xuất có liên kết: 750 ha, đạt 75% kế hoạch năm (KH: 10.000 ha). Diện tích cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ,  VietGap, an toàn thực phẩm: 789,64 ha. Diện tích liên kết với các Doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm các loại cây trồng hơn 1.200 ha; diện tích ứng dụng công nghệ 4.0 phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu bệnh trên lúa, sắn tại các địa phương gần 3.000 ha. Đã chọn được một số giống lúa thuần có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để tiếp tục sản xuất trong vụ Hè Thu 2022 như: Tân ưu 98, Mỹ hương, Hana số 7, ADI 28, HN244, HG12, Hà phát.

 
Bên cạnh kết quả đạt được thì khó khăn hiện nay là tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp giảm mạnh, dự ước đạt - 4,38% (tăng trưởng âm) tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Diễn biến thời tiết khí hậu dị thường trái quy luật diễn ra trước, trong và cuối vụ Đông Xuân đã làm sụt giảm 47.310,8 tấn lương thực, trên 7.500 tấn cây trồng, rau màu; thiệt hại gần 457 ha ao hồ nuôi cá, 44,75 ha tôm, 73 lồng bè. Ngoài ra, hệ thống kênh mương, bờ sông bị sạt lỡ hư hỏng cũng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Ước tính thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp gần 800 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ ra những “điểm nghẽn” của ngành nông nghiệp như chưa có quy hoạch vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tình trạng chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; chưa chủ động đề xuất quy hoạch phát triển của ngành trong quy hoạch chung của tỉnh; Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp đề xuất chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nông thôn mới đến năm 2030 và năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới và kinh tế tập thể; xây dựng đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để thực hiện; tập trung các phương án chỉ đạo sản xuất, khai thác dư địa đưa vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2022.

 
Làm việc với Sở Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu 6 tháng cuối năm thực hiện 05 nhóm giải pháp hoàn chỉnh công tác xây dựng quy hoạch đúng tiến độ, quy hoạch đến năm 2030, năm 2050 phải thể hiện rõ bức tranh kinh tế xã hội của từng ngành, từng vùng, địa phương trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để trình Trung ương phê duyệt trong năm 2022; kích hoạt các dư địa để phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung các giải pháp huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngừng hoạt động quay lại hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế.
tt5

Theo báo cáo của Sở kế hoạch đầu tư: Trong những tháng đầu năm dịch COVID-19 với biến thể mới Omicron diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; thời tiết mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng đến sản xuất vụ Đông Xuân; giá nguyên vật liệu, giá nhiên liệu tăng cao tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế song tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm duy trì tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Về thực hiện các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm đã thống kê được 13 chỉ tiêu/19 chỉ tiêu hệ thống. Trong đó có 12 chỉ tiêu có tốc độ tăng so với cùng kỳ và 01 chỉ tiêu có tốc độ tăng trưởng âm, cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 3,50% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 4,38%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,59%; khu vực dịch vụ tăng 5,50; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,11%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện đến ngày 30/6/2022 là 2.856,023 tỷ đồng, đạt 68,8% dự toán địa phương bằng 107,4% cùng kỳ năm 2021; trong đó Thu nội địa: 2.517,988 tỷ đồng, đạt 71,9% dự toán địa phương bằng 139,4% cùng kỳ năm 2021; Thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu: 305 tỷ đồng; đạt 46,9% dự toán địa phương, đạt và bằng 36% so với cùng kỳ 2021. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (giá hiện hành) ước đạt 11.199,04 tỷ đồng, giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 120.254 tấn, giảm 29,50%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 27.450,8 tấn, tăng 16,61%; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 17.098,1 tấn, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm trước.  Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 8,87% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 13.126,26 tỷ đồng, tăng 11,16% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 135 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 166 triệu USD, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động được tạo việc làm mới ước đạt 10.756 lao động đạt 89,63% kế hoạch năm; tuyển sinh đào tạo 7.141 người.
tt 4
Về hạn chế: Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng mức tăng còn thấp và chưa đảm bảo chỉ tiêu so với kế hoạch như: Tổng sản phẩm trên địa bàn; Chỉ số sản xuất công nghiệp. Một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Tăng trưởng Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều trường hợp phức tạp, khó khăn, kéo dài; giá nhiên liệu và một số loại vật liệu xây dựng tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến giá thành xây dựng cũng như tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Công tác quản lý đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu của hoạt động đầu tư xây dựng. Nhiều dự án đầu tư triển khai trên địa bàn còn chậm. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2021; Đời sống của một bộ phận người dân, nhất là lao động tự do còn gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp./.
Tin, ảnh: Lê Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay6,717
  • Tháng hiện tại180,970
  • Tổng lượt truy cập10,383,616
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây