Tham gia buổi làm việc có thành viên ban VHXH, Sở Y tế, sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư, Văn phòng HĐND tỉnh. Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Năm 2019, sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm, chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng nâng lên, đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Việc sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị trường lớp học trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, cơ cấu lại hệ thống hợp lý, tăng quy mô trường học, tin gọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 407 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm; so với năm học 2018-2019, toàn tỉnh giảm 17 trường công lập, tăng 02 trường tư thục so với năm học trước. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, có 195/411 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 47,5%).
Đối với đề án “Đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch giai đoạn 2020 - 2025” được xây dựng với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về nhà vệ sinh trong các trường học; cung cấp nước sạch đến học sinh và giáo viên. Hiện nay, toàn tỉnh cần đầu tư, cải tạo, sửa chữa và xây mới 2.726 nhà vệ sinh và 292 công trình nước sạch cho học sinh, giáo viên; Tổng kinh phí thực hiện là: 108.420 triệu đồng, từ các nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2021-2025 vay vốn Ngân hàng Thế giới; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Nguồn xây dựng cơ bản ngân sách tỉnh; ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo; ngân sách huyện, thị xã, thành phố; Nguồn xã hội hoá và các nguồn thu hợp pháp khác.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh thống nhất các nội dung mà đề án sẽ trình tại kỳ họp, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc phân cấp nguồn kinh phí, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; cách thức thực hiện chủ trương xã hội hóa phải gắn với từng địa phương cho hợp lý; đồng thời cần phải rút ngắn thời gian thực hiện đề án trước nhu cầu cấp bách mà mục tiêu đề án đang hướng tới để góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.
Tác giả bài viết: Trúc Phương
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc