Chất vấn và giải trình những vấn đề nổi cộm
Mở đầu phiên họp buổi sáng, thư ký kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của đại biểu tại các tổ thảo luận. Theo đó, có 52 lượt ý kiến tham gia về nội dung phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Các vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh và dư luận quan tâm như: Công tác triển khai một số dự án động lực; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ các dự án đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công; tăng thu ngân sách; tái định cư cho người dân; nâng cấp hạ tầng giao thông, nước sạch, bảo vệ môi trường; phân luồng học sinh, đầu tư các trường dạy nghề. Các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung của các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp.
Tiếp tục thảo luận các nội dung liên quan, từ những vấn đề mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang gợi mở, các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết. Đại biểu Đào Mạnh Hùng (Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh) cho rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đặt ra trong 6 tháng cuối năm, chính quyền các cấp cần nỗ lực khắc phục những hạn chế, tồn tại mà báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UBND tỉnh đã đề cập. Mặc dù nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng ở mức khá nhưng thu nhập của người dân vẫn còn thấp; chỉ số quản trị hành chính công ngày càng tăng nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa tương đồng với chỉ số quản trị hành chính công. Đây là 2 nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Vì vậy, kiến nghị HĐND, UBND tỉnh cần xác định những giải pháp đột phá về đầu tư trong phát triển kinh tế. Đại biểu Đào Mạnh Hùng chất vấn, các dự án điện gió chiếm quỹ đất khá lớn, vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá như thế nào về tác động môi trường của các dự án điện gió, đặc biệt là vào mùa mưa bão sắp đến?
Đại biểu Nguyễn Trí Tuân (Bí thư huyện ủy Đakrông) kiến nghị cần khảo sát, đánh giá chi tiết, nghiêm túc về tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn để đưa ra các giải pháp lâu dài. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 9, đoạn đi qua địa bàn huyện Đakrông. Quan tâm tạo việc làm cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính; công tác định canh, định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Đại biểu Văn Ngọc Lãm (Bí thư thị ủy Quảng Trị) kiến nghị cần tháo gỡ những điểm nghẽn để triển khai các dự án đầu tư đã được cấp chủ trương; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19; đầu tư cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân ở xã Hải Lệ. Về vấn đề khai thác cát sỏi trên địa bàn thị xã, đại biểu Văn Ngọc Lãm phản ánh, các bãi tập kết cát sỏi tự phát dọc sông Thạch Hãn mặc dù đã được xử lý, di dời nhưng vẫn còn một số điểm gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan đô thị, đơn cử như bãi tập kết cát sỏi nằm ở phía Nam cầu Thành Cổ. Vì vậy, kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ quy hoạch, di dời bến bãi tập kết cát sỏi, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng (Bí thư thành ủy Đông Hà) cho rằng cần có đánh giá tổng thể đối với các dự án điện gió trên địa bàn. Việc giải phóng mặt bằng tại một số dự án gặp khó khăn đã tạo ra điểm nghẽn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy ngành tài nguyên và môi trường cần tích cực rà soát, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác này. Đối với quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp, đại biểu Nguyễn Chiến Thắng chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp trong thời gian tới và quy hoạch cụ thể.
Một số đại biểu chất vấn về việc thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp để giao cho người dân trên địa bàn phục vụ sản xuất thực hiện quá chậm ; chất vấn về giải pháp di dời, tái định cư 24 hộ dân xã Hướng Lập bị ảnh hưởng bởi thiên tai; kiến nghị hỗ trợ nạo vét luồng lạch trên sông Hiếu để người dân yên tâm sản xuất.
Giải trình chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết, trong quá trình triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án năng lượng, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường. Đầu tháng 8 tới, đề án được phê duyệt và dự kiến đến năm 2022 sẽ có báo cáo sơ bộ trình lên HĐND và UBND tỉnh. Một số vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio Linh), đặc biệt là tại nhà máy sản xuất, chế biến bột cá Hồng Đức Vượng, sở đã yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và trong thời gian tới sẽ quan trắc môi trường thường xuyên hơn.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Trường Khoa đề nghị các ngành liên quan tăng cường phối hợp để đạt hiệu quả cao hơn. Đối với chủ trương thu hồi đất của các công ty lâm nghiệp để giao cho Nhân dân sản xuất, hiện đang gặp một số vướng mắc, sắp tới sở sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm. Về việc khai thác và tập kết cát sỏi trên sông Thạch Hãn, ông Khoa cho biết, chính quyền địa phương cần rà soát lại và có thể thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác khai thác cát sỏi để họ có nghĩa vụ, trách nhiệm, cam kết. Hiện nay, người dân khai thác tự phát nên khó quản lý.
Đối với quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp, ông Khoa khẳng định không quy hoạch vào đất quốc phòng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và đảm bảo thực hiện theo Luật Khoáng sản. Ngành tài nguyên và môi trường sẽ tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc lập quy hoạch, sử dụng đất trong thời gian tới. Sở cũng sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh để có phương án cấp sổ đỏ cho người dân có diện tích đất đã canh tác trong diện tích được thu hồi của các công ty lâm nghiệp.
Giải trình tại phiên thảo luận, chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, ngành đã xác định quỹ đất và tập trung vận động các hộ dân ở xã Hướng Lập di dời tới nơi ở mới. Về việc khôi phục sản xuất trên những diện tích bị bồi lấp do mưa lũ, ông Hòe cho biết công tác khôi phục đã được thực hiện nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều diện tích bị đất đá, cây bồi lấp.
Vấn đề bồi lấp cửa sông, khu neo đậu trên sông Hiếu, ông Hòe cho biết ngành nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xã hội hóa và UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì tiến hành khắc phục.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Hùng cho biết UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng lạch sông Hiếu tại khu vực Cửa Việt và ngành đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Vì vậy, mong muốn Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và huyện Gio Linh sớm có quy hoạch bãi thải để công tác nạo vét được tiến hành thuận lợi. Đối với vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, xóa bỏ các điểm đen tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn, đặc biệt là trên tuyến Quốc lộ 9, sở đã nhiều lần khảo sát và đề xuất với Cục Quản lý đường bộ II (đơn vị quản lý Quốc lộ 9) giải pháp để tháo gỡ, giải quyết.
Phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định UBND tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu để kịp thời chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh nhằm đưa ra được các giải pháp có chất lượng, hiệu quả, đồng bộ và phù hợp trong triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh cũng như tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong 6 tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu tại kỳ họp
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nghiên cứu, rà soát, phân loại, xây dựng kế hoạch, phương án xử lý cụ thể nhằm giải quyết tốt các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp, nhất là đối với các vấn đề bức xúc đã được kiến nghị, đề xuất nhiều lần. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của tỉnh thì khẩn trương rà soát, tổng hợp để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương giải quyết.
Để tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong kế hoạch năm 2021 cũng như ứng phó linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trước diễn biến phức tạp, khó lường của COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh nêu 9 nhóm giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã xem xét 32 báo cáo, đề án, tờ trình và thông qua 14 nghị quyết, gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021; ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; phê chuẩn Chương trình giám sát năm của HĐND tỉnh năm 2022 và 9 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế, 1 nghị quyết về lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại kỳ họp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang khẳng định, sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, tích cực, dân chủ, trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân trong tỉnh, với tinh thần “chính quyền địa phương kiến tạo sự phát triển tỉnh Quảng Trị 5 đến 10 năm tới” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VIII đã hoàn thành các nội dung chương trình đã đề ra.
Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh; thông báo của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và các cơ quan tư pháp; báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh; ý kiến của cử tri và các ngành liên quan, các đại biểu đã tập trung xem xét, thảo luận một cách dân chủ, sôi nổi để phân tích những mặt đã đạt được và những mặt chưa đạt được, nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ 5 năm qua và 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời dự báo những thuận lợi, khó khăn, đề ra các kế hoạch, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, từng bước đáp ứng mong đợi của cử tri trong tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương ngay sau kỳ họp cần khẩn trương có kế hoạch tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua; mặt trận và các tổ chức thành viên đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, triển khai các biện pháp đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra và sớm chuẩn bị các tờ trình, đề án trình kỳ họp chuyên đề - kỳ họp thứ 4, dự kiến triển khai vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang kêu gọi toàn thể các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt khó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 để xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.
Theo Báo Quảng Trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc