Phát huy truyền thống 75 năm Quốc hội Việt Nam, phấn đấu làm tròn trọng trách người đại biểu nhân dân

Chủ nhật - 10/01/2021 05:09 794 0
(Tinhuyquangtri.vn) - Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, trong đó có đoạn:“Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
51

 

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể người dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6/1/1946 đi bầu cử Quốc hội. Ở Quảng Trị, từ sáng sớm ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử diễn ra sôi nổi, trên 98% cử tri trong tỉnh hăng hái đi bỏ phiếu. Các đại biểu trúng cử là các ông Lê Thế Hiếu, Trần Mạnh Quỳ, Đặng Thí. Các ông Trần Hữu Dực, Trần Quỳnh, những người con ưu tú của quê hương Quảng Trị cũng được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa I tại đơn vị bầu cử thành phố Huế và tỉnh Phú Yên.

Tắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ. Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, Quốc hội Việt Nam đã qua 14 khóa hoạt động và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp vẻ vang vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Trong đó, Quốc hội khóa XIV (2016- 2021) được bầu vào ngày 22/5/2016, bầu ra 494 ĐBQH. Trong nhiệm kỳ này, số lượng ĐBQH chuyên trách đạt tỉ lệ 34,91%, cao nhất trong các nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIV đến thời điểm này đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, điểm mới trong nhiệm kỳ này là Quốc hội đã trực tiếp thành lập các đoàn giám sát chuyên đề thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và triển khai thực hiện như trước đây.

Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục được nâng cao chất lượng và ngày càng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nổi bật như: Điều chỉnh quy định sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030… Hoạt động đối ngoại của Quốc hội phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, Quốc hội nhiệm kỳ này đã đánh dấu bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Lần đầu tiên phần mềm hỗ trợ hoạt động của ĐBQH trên các thiết bị thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thông minh như cung cấp các tài liệu kỳ họp, tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới cách thức thảo luận từ tham luận sang tranh luận cũng là một điểm nhấn quan trọng.

7


Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp để thích nghi trong mọi hoàn cảnh, nhất là tại kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức thành công kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống COVID-19.

Chặng đường phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Ở đó, Quốc hội luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý giá cho việc củng cố, nâng cao Quốc hội khóa sau, đó là:

Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là tiền đề để bảo đảm cho Quốc hội phát huy được vai trò của mình, thực hiện tốt các mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH. Sự đồng thuận, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH; sự phối hợp có hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự đóng góp tích cực của cử tri và Nhân dân là yếu tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Quốc hội hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu cảm sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của Nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và tăng cường niềm tin của cử tri, của Nhân dân đối với Quốc hội.

Phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội là yêu cầu quan trọng tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo từ hệ thống chính trị của nước ta. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, khai thác tốt tiềm năng sáng tạo và tính chủ động của từng cơ quan của Quốc hội, từng ĐBQH. Thực tế hoạt động của Quốc hội cho thấy có những vấn đề được quyết định không dễ dàng mà phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, qua đó đã làm cho các quyết định có tính chính xác cao hơn, tạo sự đồng thuận tốt hơn, giúp công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với ý nguyện của đông đảo Nhân dân.

Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo những nguyên tắc cơ bản, đó là: Bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thực sự là Quốc hội của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân; tăng cường pháp chế XHCN, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức XHCN. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

Theo đó, để làm tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Quốc hội cần tiếp tục tăng cường năng lực lập pháp đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng các dự án luật. Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án luật ngay từ những công đoạn đầu, coi trọng xác định nội dung chính sách luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình lập pháp.

Nâng cao hiệu quả giám sát, đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chiều sâu; tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua giám sát để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động và xác định đúng trách nhiệm nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước...

Nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội, từ đó kiện toàn và tăng cường tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, chuyển hình thức làm việc của Quốc hội từ tham luận sang tranh luận. Hoạt động của Quốc hội chủ yếu thông qua hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và quyết định tại phiên họp toàn thể.

Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng ĐBQH, coi đây là việc làm có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế lựa chọn, giới thiệu và tiến hành bầu cử ĐBQH; tăng cường mối quan hệ giữa ĐBQH với cử tri; tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, phát huy mạnh mẽ vai trò của ĐBQH ở cả Trung ương và địa phương. Đồng thời củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan tham mưu giúp việc, tạo thêm các điều kiện và phương tiện làm việc, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH.

Tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đối ngoại nghị viện trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đạt được trong 75 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. Tin tưởng và kỳ vọng Quốc hội nước ta mãi mãi xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, làm tròn trọng trách của người đại biểu nhân dân, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Theo Tinhuyquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay6,616
  • Tháng hiện tại176,332
  • Tổng lượt truy cập10,378,978
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây