Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm - 22/10/2020 08:26 1.000 0
(Quangtri.gov.vn) Ngày 20/10/2020, Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 10 bằng hình thức họp trực tuyến đến với 63 tỉnh, thành phố. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì và điều hành kỳ họp.
Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Trị có các đại biểu Quốc hội: Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa Hồ Thị Minh; Bí thư Đảng ủy Phường 3 (TP Đông Hà) Mai Thị Kim Nhung; cùng tham dự có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh.

Tại lễ khai mạc, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí hi sinh, tử nạn trong quá trình tổ chức cứu nạn, cứu trợ, giúp nhân dân ứng phó với mưa bão ở khu vực miền Trung; đồng thời tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa bão.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 10 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái; thiên tai, dịch bệnh tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, cả nước ta đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu để sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 19 ngày, chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/10 - 27/10/2020, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương; đợt 2 từ ngày 2/11 - 17/11/2020, Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác như quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng …  Bên cạnh đó, xem xét thông qua 6 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật. Kỳ họp cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt từ 2 - 3%; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD; năng suất lao động được cải thiện rõ nét.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người dân vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là những gia đình có người thân tử nạn; gia đình, người thân, đồng đội của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh. Chính phủ sẽ làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng, tự hào dân tộc; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo Quangtri.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay16,930
  • Tháng hiện tại220,631
  • Tổng lượt truy cập9,173,711
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây