Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề: “Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân – Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp”

Thứ sáu - 01/04/2022 01:36 663 0
Ngày 26/3/2022, Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức tại Thành phố Huế. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; đại diện Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Ban Công tác đại biểu của UBTVQH; Thường trực HĐND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Tỉnh Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Trần Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh cùng dự.
 
Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề: “Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân – Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp”
Toàn cảnh Hội nghị
 
Hội nghị tổ chức với chủ đề “Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân – Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp” là hết sức thiết thực, bởi vì chất lượng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, các Ban của HĐND và Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, hầu hết các tỉnh đã nêu bật được thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, trong đó có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương về nội dung tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, công tác thi đua khen thưởng đối với đại biểu HĐND.
gbtt 2
Đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị tham dự Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội trao đổi thêm một số vấn đề cụ thể nhắm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân thời gian tới:
 
Một là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, nhất là đối với công tác cán bộ; ngay từ bây giờ các cấp ủy đảng và chính quyền cần chủ động bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2021-2026 và quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ tới; kiện toàn các chức danh còn khuyết, trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa cơ cấu với chất lượng, bảo đảm mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật còn phải là những người thực sự tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh, trong sáng về đạo đức cách mạng, là tấm gương trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, của hệ thống chính trị. Chất lượng đầu vào của đại biểu được bảo đảm là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng cán bộ theo nguyên tắc đúng người, đúng việc nhằm phát huy tối đa sở trường, năng lực công tác của mỗi người đại biểu dân cử.

Bên cạnh đó, quá trình hoạt động, Thường trực Hội đồng nhân dân cần chủ động tham mưu cấp ủy Đảng xem xét, quyết định các định hướng lớn từ sớm, từ xa đối với các hoạt động trọng tâm của Hội đồng nhân dân cả nhiệm kỳ và của từng năm để mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân có căn cứ và chủ động hơn trong hoạt động của mình, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hai là, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân thì bản thân mỗi vị đại biểu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân địa phương, thực  hiện tốt nhất Chương trình hành động của mình khi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm để nói lên tiếng nói của người dân, mọi quyết định phải đặt lợi ích của nhân dân trên hết, trước hết.

Thứ ba, cần bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho đại biểu Hội đồng nhân dân triển khai các hoạt động có hiệu quả tốt nhất. Cùng với đó, bản thân mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiếp tục nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, tự đào tạo, tự rèn luyện; trong môi trường hoạt động rất đa đạng về kiến thức, toàn diện, bao quát trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi đại biểu cần mạnh dạn đề xuất những lĩnh vực cần bổ sung thêm kiến thức để Thường trực Hội đồng nhân dân tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

          Thứ tư, cần tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp: nội dung, chương trình kỳ họp cần chuẩn bị kỹ, các báo cáo thẩm tra phải bảo đảm chất lượng, Nghị quyết ban hành có tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề “nóng” và “điểm nghẽn”, đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chủ tọa kỳ họp cần phát huy vai trò trong điều hành kỳ họp, phiên họp, bảo đảm linh hoạt, mềm dẻo, phát huy tối đa trí tuệ của tập thể để giải quyết những vấn đề trọng tâm của kỳ họp; kết hợp hai hình thức là thảo luận tại Tổ và thảo luận tại Hội trường để thu nhận được tối đa ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu; phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong tranh luận, thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận cao.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát việc thực thi pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ở địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Theo đó, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND cần tập trung vào những vấn đề “nóng”, những vấn đề quan trọng của địa phương, được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, người nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền không chất vấn theo kiểu "hỏi để biết". Nội dung trả lời phải trọng tâm, ngắn gọn, xác định được nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại mà đại biểu HĐND đã đặt ra. Những vấn đề trả lời chưa rõ, chưa thỏa đáng, đại biểu HĐND cần mạnh dạn hơn trong tranh luận, truy vấn để làm rõ; cần có kết luận đối với từng nội dung chất vấn, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận chất vấn. Sau phiên chất vấn phải có Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp và tại phiên họp thường kỳ sau phải có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thường kỳ trước đã ban hành.

Thứ sáu, rà soát, hoàn thiện và thực  hiện tốt Quy chế làm việc của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND – UBND – UBMTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương.

Thứ bảy, cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền về hoạt động của Hội đồng nhân dân; các phiên thảo luận tại Hội trường, các phiên chất vấn cần tiếp tục duy trì hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cấp ủy, lãnh đạo UBND, các cơ quan liên quan và cử tri, Nhân dân biết, theo dõi, giám sát; nghiên cứu để tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình đối với các phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.
Ngoài những giải pháp chung, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cần chủ động, giữ vai trò nòng cốt trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện để có những giải pháp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND.

 
Tin, ảnh: Lê Thiện./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay31,787
  • Tháng hiện tại403,561
  • Tổng lượt truy cập7,365,406
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây