Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII: Nhóm vấn đề kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách, đầu tư công được quan tâm chất vấn

Thứ tư - 08/12/2021 05:29 623 0
(QTO) - Sáng nay 8/12, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VIII. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu.

Mở đầu phiên làm việc, Đoàn Thư ký báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ thảo luận. Các đại biểu đồng tình với báo cáo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và và 20 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra trong năm 2022. Đồng thời thống nhất cao với các nội dung, báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh trình tại kỳ họp.

Phần nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang gợi mở các nhóm vấn đề trọng tâm, lồng ghép các nội dung gồm: chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư công và các vấn đề trọng tâm khác để các đại biểu tập trung chất vấn và trả lời chất vấn.

111


Cần quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp, chỉ 52,5%, tiến độ thực hiện các dự án động lực đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh chậm hoặc chưa triển khai, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng liên quan thực hiện dự án là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án.

Đại biểu Trần Việt Dũng, đơn vị Triệu Phong phản ánh, trên địa bàn huyện có 3 dự án đã được đầu tư từ nhiều năm trước là dự án đường hai đầu cầu An Mô, đường tránh lũ đi thôn Trấm, đường Trữ Lấu kết nối huyện Triệu Phong - Cam Lộ đến nay vẫn dở dang do vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn.

Đại biểu huyện Gio Linh phản ánh, dự án do Công ty TNHH MTV Hoàng Khang đã nhiều lần gia hạn và chưa thực hiện, đề nghị cần rà soát lại để có phương án xử lý.

Trên địa bàn huyện Hải Lăng, người dân ở Khu Kinh tế Đông Nam mong mỏi các dự án động lực sớm triển khai thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu phản ánh, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, khoáng sản… chưa cao, mối quan hệ giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý một số lĩnh vực như khoáng sản, đất đai chưa chặt chẽ…

Để giải quyết căn bản những vấn đề này, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng nâng cao năng lực thẩm định các dự án trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư. Rà soát tổng thể đối với dự án đã được cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn, dự án nào kéo dài, vi phạm luật đất đai thì cần có chế tài thu hồi dự án, không làm mất niềm tin của Nhân dân, gây cản trở cơ hội đầu tư của các đơn vị có tiềm năng. Nghiêm túc thực hiện việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư.

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Chí Trung nêu ra 9 giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, theo đó tập trung đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư thực hiện dự án; phát huy vai trò ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng quản lý dự án, đề nghị các ngành công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời, cập nhật sát giá thị trường; thực hiện quyết liệt điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án thực hiện tốt…

Lo ngại hoạt động buôn bán ma túy gia tăng

Hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy, pháo nổ qua biên giới dọc sông Sê Pôn thời gian qua gia tăng và diễn biến phức tạp là mối lo ngại lớn mà nhiều đại biểu đề cập đến trong phiên chất vấn. Đáng chú ý, theo phản ánh của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lê Văn Phương, hiện nay trên tuyến biên giới dọc sông Sê Pôn, 154 hộ dân xây dựng nhà ở và trang trại sát bờ sông, có 23 hộ xây dựng các tường rào bịt kín toàn bộ vành đai biên giới với lý do bảo vệ vật nuôi, cây trồng, mở nhiều đường mòn, lối mở ra đến sông Sê Pôn, gây khó khăn cho công tác tuần tra bảo vệ tuyến biên giới, phòng chống buôn bán ma túy, pháo nổ qua khu vực này.

Đại biểu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị trấn Lao Bảo yêu cầu các hộ dân tháo dỡ hàng rào tôn che khuất tầm quan sát, thu hồi quyền sử dụng đất đối với việc xây dựng các đường vành đai ra đến sông Sê pôn, tuyệt đối không để các hộ dân xây dựng các công trình dọc vành đai biên giới.  Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng cũng kiến nghị đối với công tác quản lý biên giới, UBND tỉnh cần đưa vào nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, rà soát lại việc cấp đất cho người dân sinh sống ở khu vực vành đai biên giới.

Tình trạng buôn bán ma túy diễn biến phức tạp kéo theo số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, cần có sự tăng cường phối hợp giữa lực lượng công an, chính quyền địa phương và gia đình trong triển khai công tác cai nghiện cộng đồng và tại gia đình, đây là vấn đề mà Đại tá Lê Phương Nam, Công an tỉnh phản ánh.

Một thực tế khó khăn hiện nay là nhân viên y tế tại các trạm y tế chưa có chứng chỉ test ma túy để hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát đưa các đối tượng nghiện ma túy vào diện quản lý. Lực lượng cán bộ chiến sĩ đấu tranh phòng chống ma túy còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, tình trạng gia tăng tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí thời gian qua có nguyên nhân lượng xe chở hàng hóa tăng đột biến ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, xe phục vụ chở thiết bị điện gió tăng. Riêng các điểm đen trên địa bàn, Công an tỉnh đã thống kê đầy đủ, đề nghị Sở GTVT sớm trình UBND tỉnh có phương án sửa chữa.

Nhiều vấn đề nổi cộm được đại biểu quan tâm

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất, để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 7%, đồng thời cần bổ sung nhóm nhiệm vụ giải pháp khắc phục những hạn chế đã xác định trong năm 2021, chỉ tiêu về tiêm chủng vắc xin phòng COVID - 19 vào hệ thống chỉ tiêu năm 2022. Có đại biểu nêu ý kiến, định mức chi thường xuyên năm 2022 tuy có tăng nhưng còn thấp, cần mạnh dạn áp định mức chi thường xuyên trên vị trí việc làm, gắn với khoán biên chế, qua đó mới nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Cần tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, chỉ số PCI và PAPI.

Đề nghị HĐND tỉnh sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư để công tác tuyên truyền, vận động tinh giản biên chế thuận lợi, sớm ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn đội ngũ cán bộ công chức cấp xã dôi dư để tổ chức thực hiện.

Đại biểu Trần Nhật Quang, đơn vị Vĩnh Linh nêu ba vấn đề cử tri địa phương quan tâm là việc chuyển đổi giao đất rừng cho địa phương quản lý theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh còn chậm; những vấn đề bất cập ở trạm y tế cấp xã, việc chậm thi công 5 dự án ven biển do tỉnh cấp phép đầu tư trên địa bàn huyện…Liên quan đến đào tạo việc làm, an sinh xã hội, đại biểu đề nghị cần quan tâm giải quyết việc làm cho lao động từ miền Nam trở về, đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho dân tộc thiểu số ở khu vực điện gió.

Tăng cường các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất

Về xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế cần khắc phục để triển khai thực hiện chương trình hiệu quả trong thời gian tới. Đối với các xã đã đạt chuẩn, tập trung đầu tư để đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu của bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, từng bước hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đối với các xã chưa đạt chuẩn và xã phấn đấu đạt chuẩn: Tập trung chọn một số thôn/bản xây dựng thôn bản, khu dân cư nông thôn mới, từ đó nhân rộng để từng bước hoàn thành xã nông thôn mới. Riêng đối với các xã khu vực đồng bào dân tộc miền núi cần tập trung lồng ghép có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác gắn với công tác đỡ đầu, sự tài trợ của tổ chức. Đồng thời, trong thời gian tới, đối với việc thẩm tra, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn phải đảm bảo thực chất, tránh chạy theo phong trào, không để xảy ra trường hợp nợ tiêu chí, nợ công trình, nợ đọng xây dựng cơ bản và đảm bảo sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới…

Đối với huyện nông thôn mới, trước hết cần phấn đấu 100% xã đạt chuẩn, 10% xã nâng cao. Tập trung ưu tiên nguồn lực ngân sách theo lộ trình theo từng huyện, phát huy nội lực của địa phương để từng bước hoàn thiện các tiêu chí cấp huyện.

Về việc giao đất của các công ty lâm nghiệp theo nghị quyết 29, năm 2022 sẽ giao một số diện tích đến chu kỳ khai thác, đến 2024 kết thúc, trước khi hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp, phân kỳ hằng năm theo thứ tự ưu tiên.

Chiều nay, HĐND tỉnh tiếp tục phiên làm việc với phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu.

Theo Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm111
  • Hôm nay17,517
  • Tháng hiện tại363,374
  • Tổng lượt truy cập7,325,219
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây