Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân

Thứ sáu - 17/05/2024 03:40 1.075 0
Sau 08 năm thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP), bộ máy CQĐP ngày càng hoàn thiện và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn, trong đó HĐND các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu, thành phần và hoạt động trên cơ sở thượng tôn pháp luật, phù hợp thực tiễn. Cùng với việc thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật, văn bản dưới luật liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho HĐND có cơ sở thực hiện đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.
hoi nghi lay y kien luat giam sat
Đoàn Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị tham luận tại Hội thảo

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp từ thực tiễn tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc:
- Thứ nhất, theo các quy định của Luật Tổ chức CQĐP thì đại biểu HĐND phần lớn kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết cho các hoạt động của HĐND. Chất lượng đại biểu HĐND ở một số địa phương chưa cao, cơ cấu chưa phù hợp, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động dân cử còn hạn chế nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm theo Luật định, nhất là ở đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cán bộ chuyên trách các Ban của HĐND cấp tỉnh và một số địa phương cấp huyện chưa cơ cấu cấp ủy viên; các Ban của HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm. Nhân sự các Ban của HĐND cấp huyện, cấp xã hầu hết tham gia lần đầu nên còn thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong hoạt động của Ban; nhiều nơi thành viên Ban của HĐND đồng thời là thành viên của UBND, tuy không trái Luật nhưng lại ảnh hưởng đến chức năng, thẩm quyền của HĐND, các Ban HĐND, nhất là chức năng giám sát theo quy định của Luật.
- Thứ hai, Luật Tổ chức CQĐP năm 2015 quy định mở rộng thành viên của Thường trực HĐND gồm Trưởng ban của HĐND, đồng thời quy định Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, trong khi đó bộ máy của Thường trực HĐND phần đông là cán bộ kiêm nhiệm nhiều hơn số thành viên hoạt động chuyên trách, do đó ít nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng, tính kịp thời, hiệu quả trong giải quyết công việc giữa hai kỳ họp, công việc đột xuất của địa phương thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND theo quy định của pháp luật. Đối với đơn vị hành chính cấp xã, Thường trực HĐND chỉ có 01 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách, trong khi đa số thành viên Thường trực HĐND hoạt động kiêm nhiệm, trường hợp khi khuyết Chủ tịch thì việc điều hành hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND cấp xã rất khó khăn.
- Thứ ba, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, cấp huyện đã được quy định trong Luật Tổ chức CQĐP; Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND lần đầu tiên được luật hóa quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về cách thức, biện pháp, điều kiện đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND, nhất là hoạt động giám sát (công tác tham mưu, giúp việc giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch, báo cáo kết quả giám sát, tính pháp lý của văn bản do Tổ đại biểu HĐND ban hành,...)
- Thứ tư, Luật Tổ chức CQĐP không quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã, trong khi đó thực tiễn hiện nay một số địa phương đã, đang và sẽ thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính theo lộ trình, theo đó các địa phương có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi. Trong một địa phương đã hình thành nhiều vùng, nhiều khu vực nên hoạt động của đại biểu HĐND cần thiết phải được tổ chức theo Tổ nhằm giúp cho hoạt động của HĐND được thuận lợi hơn, nhất là trong việc kịp thời tổng hợp, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. Luật Tổ chức CQĐP quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, song chưa phân định cụ thể và rõ thẩm quyền của HĐND mỗi cấp gắn với loại đơn vị hành chính; việc phân cấp thẩm quyền cho CQĐP cấp tỉnh trong một số lĩnh vực chưa phù hợp đặc điểm, điều kiện, nguồn lực và khả năng thực hiện của địa phương.
- Thứ năm, khoản 1 Điều 106 của Luật Tổ chức CQĐP quy định: “Phiên họp Thường trực HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực HĐND. Tại phiên họp, Thường trực HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì thẩm quyền của Thường trực HĐND được quy định lại, nhiều công việc trước đây thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND xem xét, quyết định thì nay thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, do đó HĐND phải tổ chức thêm nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm để giải quyết công việc phát sinh, đột xuất, đặc biệt là ở cấp tỉnh.
- Thứ sáu, Luật Tổ chức CQĐP có quy định phân cấp theo hướng tăng thẩm quyền cho HĐND các cấp, trong khi cơ cấu tổ chức bộ máy văn phòng tham mưu, giúp việc của HĐND cùng cấp còn thiếu tính ổn định, nhiều lần thay đổi tổ chức, chia tách, sáp nhập, vị trí việc làm và biên ngày càng giảm. Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện, cấp xã chưa được Chính phủ quy định và có hướng dẫn cụ thể; không được bố trí biên chế, chủ yếu là biên chế đối với chức danh Văn phòng UBND kiêm nhiệm, giúp việc cho HĐND.
Để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc đã được nêu trên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, trong thời gian tới cần thiết phải đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND như sau:
Một là: Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương
(1) Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung tại các điều về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo hướng phân định cụ thể rạch ròi thẩm quyền của HĐND mỗi cấp, phù hợp các loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo nhằm bảo đảm HĐND phát huy tối đa vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
(2) Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng chú trọng đảm bảo cơ cấu, chất lượng đại biểu HĐND, tăng số lượng đại biểu chuyên trách của các ban HĐND. Cần quy định thành viên Ban của HĐND không đồng thời là thành viên của UBND để nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát của các Ban HĐND có hiệu lực, hiệu quả hơn
(3) Đề nghị xem xét bổ sung tại các điều về cơ cấu tổ chức của Tổ đại biểu HĐND và tại khoản 1 Điều 112 quy định cơ chế thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu HĐND cấp xã tương tự cấp tỉnh, cấp huyện; văn bản của Tổ đại biểu HĐND được sử dụng con dấu của HĐND cùng cấp.
(4) Đề nghị xem xét bổ sung vào luật nội dung quy định Thường trực HĐND xem xét, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐND khi được ủy quyền, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước cấp trên mà không phải tổ chức nhiều kỳ họp.
(5) Đề nghị xem xét bổ sung vào luật quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với người bị chất vấn là Thủ trưởng cơ quan THADS cùng cấp nhằm đảm bảo phù hợp thẩm quyền giám sát quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật Hoạt động giám sát: “HĐND giám sát…hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan THADS cùng cấp và Ban của HĐND cấp mình…”.
(6) Đề nghị xem xét bổ sung vào luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Thi đua, khen thưởng điều, khoản quy định công tác thi đua, khen thưởng của HĐND đối với đại biểu HĐND, các cơ quan của HĐND và các chức vụ, chức danh do HĐND bầu và phê chuẩn. Sửa đổi khoản 4 Điều 127 quy định Chính phủ hướng dẫn vị trí việc làm, biên chế của Văn phòng tham mưu, giúp việc HĐND cấp tỉnh và tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế tham mưu, giúp việc của HĐND cấp huyện, cấp xã.
Hai là: Đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
(1) Đề nghị xem xét đưa nội dung hướng dẫn hoạt động giám sát tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng thời, quy định cụ thể hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND; thời hạn báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, chất vấn của HĐND; trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết về việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, chất vấn của HĐND biện pháp, chế tài đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát của HĐND nhằm tạo tính pháp lý cao, đồng bộ, thống nhất.
Ba là: Đối với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
(1) Đề nghị xem xét bổ sung Điều 111 quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm đôn đốc UBND, các Ban của HĐND và UBMTTQ Việt Nam cùng cấp lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp mình.
(2) Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền, biện pháp bãi bỏ văn bản trái pháp luật của CQĐP. Bổ sung quy định cụ thể những tiêu chí xác định tính không hợp pháp của văn bản khi áp dụng biện pháp bãi bỏ, trong đó có nội dung “văn bản vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành”. Quy định xem xét quyết định của UBND cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên do Thủ tướng bãi bỏ theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Trường hợp quyết định của UBND cấp tỉnh trái với nghị quyết của HĐND cùng cấp do HĐND bãi bỏ theo đề nghị của Thường trực HĐND cùng cấp; quyết định của UBND cấp huyện, cấp xã trái pháp luật do HĐND cùng cấp bãi bỏ theo đề nghị của Thường trực HĐND cùng cấp hoặc Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp.

 
Bài: Lê Thanh Hải
 

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay6,693
  • Tháng hiện tại106,081
  • Tổng lượt truy cập9,829,557
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây