Nghiên cứu sớm ban hành nghị quyết triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ bảy - 11/05/2024 06:55 513 0
Tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật; Lực lượng này được bố trí ở thôn, tổ dân phố và do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
 
image001 3
 Ban Pháp chế khảo sát tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng


Hiện nay, trên địa bàn Quảng Trị có các lực lượng đang hưởngchế độ liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự cở sở như: Công an viên hiện có 977 đồng chí, bố trí tại 620 thôn, bản vàđang được hưởng chế độ theo Nghị quyết số 120/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chức danh, mức phụ cấp và mức phụ cấp kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên tráchở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt độngở thôn, tổ dân phố; kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Về lực lượng bảo vệ dân phố có 813 đồng chí, bố trí tại 24 ban, 179 tổ dân phố và đang được hưởng chế độ theo nghị quyết số 07/2009/NQ-HĐND ngày 24/4/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tổ chức và chế độ phụ cấp đối với lực lượng bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn; Lực lượng dân phòng hiện có 798 đội trưởng, 798 đội phó, 8.238 đội viên và đang hưởng chế độ theo nghị quyết số 73/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức anh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
 
image002 3
                                                                         Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Công an tỉnh

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có rất nhiều đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Quảng Trị hiện có 799 thôn, tổ dân phố; theo quy định củaLuật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Nghị định số 40/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì ở mỗi thôn, tổ dân phố được thành lập một Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trên cơ sở hợp nhất các lực lượng hiện có (Công an viên, Bảo vệ dân phố và Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng) nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Trong những năm qua, Quảng Trị đã xây dựng được lực lượng tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở ở thôn, bản, khu phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, góp phần giúp cho các hoạt động quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở có hiệu lực và hiệu quả hơn, thực sự là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đấu tranh giữ gìn đạo lý, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nược.Sự cống hiến của đội ngũ những người tham gia lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở là rất lớn, nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ lại còn nhiều bất cập; mặt khác những vấn đề đặt ra sau khi sắp xếp, sát nhập các thôn, tổ dân phố thì công việc nhiều, địa bàn rộng nhưng thu nhập lại rất thấp nên một số có tư tưởng dao động, chưa thật sự tâm huyết với công việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

 
image003 2
Ban Pháp chế khảo sát tại UBND thị trấn Lao Bảo
Do đó, việc nghiên cứu sớm ban hành nghị quyết thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, cụ thể như sau:
Một là, nghiên cứu ban hành nghị quyết để quy định về tổ chức và chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; nghiên cứu có chế độ hỗ trợ đặc thù, các chế độ phụ cấp trực đêm, làm ngoài giờ, chế độ bảo hiểm xã hội… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở yên tâm cống hiến.
Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là tại những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; Sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức tự quản tại địa phương trong bảo vệ an ninh, trật tự.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP, ngày 31/7/1998 của Chính phủ, về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, về phòng chống ma túy, mại dâm; phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; các đề án về phòng, chống tội phạm; các kế hoạch phối hợp phòng, chống tội phạm trong trường học, trong công nhân viên chức... Phát hiện, xử lý kịp thời các "điểm nóng" từ cơ sở, không để phát triển thành vụ việc lớn, phức tạp. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở vững mạnh; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức. Xây dựng thực hiện các mô hình liên kết bảo vệ an ninh, trật tự thích hợp với từng địa bàn, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác xây dựng lối sống lành mạnh ở cơ sở.
Bốn là, tăng cường lực lượng chiến đấu cho cơ sở, bố trí cán bộ trực tiếp thực hiện vận động quần chúng và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Cần có kế hoạch ưu tiên tăng cường, bổ sung đủ biên chế cho lực lượng Công an ở cơ sở và bố trí phù hợp với từng loại địa bàn; bảo đảm tính ổn định lâu dài, khi thật cần thiết mới luân chuyển sang địa bàn khác. Chuyên môn hóa lực lượng Công an cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở.Đồng thời củng cố, tăng cường các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo các quy định hiện hành.
Năm là, tăng cường các điều kiện làm việc, trang bị phương tiện phù hợp với thực tế chiến đấu ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Công an và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Các đơn vị chủ quản cấp trên và chính quyền cơ sở cần quan tâm bố trí trụ sở làm việc cho Công an cơ sở và các lực lượng khác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở trên địa bàn./.
Bài, ảnh Phạm Văn Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 230 trong 46 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 46 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập287
  • Hôm nay13,568
  • Tháng hiện tại361,693
  • Tổng lượt truy cập8,509,508
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây