Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Thứ ba - 27/02/2024 23:06 2.160 0
Trong những năm qua việc triển khai các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm và tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.
 
Lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố ngày càng được củng cố, kiện toàn. Cơ quan điều tra các cấp được quan tâm xây dựng theo hướng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
image001
         Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (năm 2023)
 

Việc triển khai phần mềm tin báo, tố giác về tội phạm của công an cấp xã và phần mềm “Điều tra hình sự” đối với cơ quan cảnh sát điều tra công an hai cấp đã tối ưu hóa việc sử dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phục vụ tối đa công tác lưu trữ, tham mưu trong công tác điều tra, phòng chống tội phạm. Công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BCA của Bộ Công an và các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Việc thụ lý, giải quyết, công tác kiểm tra nguồn tin luôn được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục, không xảy ra tình trạng quá hạn; việc phận loại giải quyết được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo đúng thời gian; không để xảy ra tình trạng thống kê chồng chéo, sai lệch về số liệu. Chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra vụ án hình sự ngày càng được nâng cao, là cơ sở để các hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành khoa học, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.

Các giải pháp phòng ngừa về nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp các địa bàn, đối tượng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm được ngành Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện phát huy hiệu quả, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan trong quá trình xác minh, thu thập thông tin phục vụ công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời. Công tác phối hợp giữa cơ quan điều tra với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan liên quan trong việc xác minh làm rõ căn cứ khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án để kết thúc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng thời hạn, có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng quá thời hạn luật định. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được tăng cường và ngày càng chặt chẽ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chưa thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ việc phức tạp. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 và các sở, ngành có liên quan ký kết Quy chế phối hợp liên ngành số 01/2022/QCPH-LN ngày 19/12/2022 về phối hợp trong việc phát hiện, tiếp nhận, phân loại, chuyển giao, giải quyết nguồn tin về tội phạm; qua đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm thông tin, báo cáo, cách thức phối hợp cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị, đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 
image002
Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Công an huyện Vĩnh Linh (năm 2023)


Ba năm qua (2021-2023), các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã tiếp nhận: 1.693 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong đó: Số tố giác: 677 vụ; số tin báo: 925 vụ; số kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm: 06 vụ; số nguồn tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm: 101 vụ; số người phạm tội tự thú: 07. Trình tự thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; các nguồn tin về tội phạm được tiếp nhận đầy đủ, xem xét kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác, đúng quy định của pháp luật, không xảy ra trường hợp không tiếp nhận, bỏ lọt tin, tiếp nhận muộn. Sổ sách, biểu mẫu tiếp nhận nguồn tin về tội phạm được thực hiện theo đúng Thông tư số 119/2021/TT-BCA của Bộ Công an. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được Viện kiểm sát nhân dân hai cấp quán triệt, thực hiện theo đúng quy định của Bộ Luật TTHS, các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, các quy chế, quy định, hướng dẫn của ngành về tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nắm chắc và quản lý chặt chẽ nguồn tin về tội phạm, nâng cao chất lượng phân loại xử lý ban đầu về tố giác, tin báo tội phạm.

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, định kỳ kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm của cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, tổng hợp các vi phạm để kiến nghị khắc phục và tổ chức Hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm. Công tác phối hợp giữa kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố với điều tra viên trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm chặt chẽ, thường xuyên, đúng quy định của pháp luật. Tất cả các yêu cầu kiểm tra, xác minh của kiểm sát viên đều được cơ quan điều tra thực hiện nghiêm túc. Việc phân loại, xử lý bảo đảm kịp thời, chính xác, làm cơ sở cho việc ra các quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án, chuyển án giải quyết theo thẩm quyền đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân hai cấp và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã giải quyết: 1516 vụ. Trong đó: Quyết định khởi tố vụ án: 982 vụ; quyết định không khởi tố vụ án: 586 vụ; chuyển để giải quyết theo thẩm quyền: 02 vụ. Số đang giải quyết: 101 vụ việc; không có trường hợp nào giải quyết nguồn tin quá thời hạn luật định. Nguồn tin đình chỉ giải quyết: 0 vụ.

Việc triển khai các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm và tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn như:
Vẫn còn trường hợp phải tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và đến thời điểm hiện tại chưa đủ căn cứ để phục hồi giải quyết nguồn tin (76 vụ, việc); một số nguồn tin khi hết thời hạn xác minh nhưng vẫn chưa xác định được đối tượng bị tố giác. Một số trường hợp không gửi đầy đủ thông báo kết quả việc tiếp nhận cho Viện kiểm sát nhân dân; gửi kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức đã cung cấp tố giác, tin báo về tội phạm hoặc người tố giác tội phạm chưa được thực hiện đầy đủ (Một số vụ việc Cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện chưa thông tin kết quả giải quyết nguồn tin cho Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan). Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân về quan điểm đánh giá tài liệu, chứng cứ trong một số vụ việc còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
Công tác tương trợ tư pháp, phối hợp với các cơ quan tư pháp của Nước CHDCND Lào còn gặp nhiều khó khăn do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chưa có kênh liên lạc chính thức với Viện kiểm sát các tỉnh Salavan, Savannakhet nên việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu qua kênh tương trợ tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc mời, triệu tập những người có quốc tịch Lào, hiện đang cư trú ở Lào đến Quảng Trị làm việc khó thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ kiểm tra, xác minh nguồn tin liên quan đến đương sự là công dân nước CHDCND Lào.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn thiếu tính dự báo, phòng ngừa, nhất là đối với các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm ẩn, gây khó khăn trong công tác triển khai, áp dụng. Một số quy định của pháp luật còn tồn tại bất cấp, thiếu sót, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau làm ảnh hưởng đến việc triển khai, áp dụng trong đấu tranh, xử lý tội phạm.


 
image003
Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (năm 2023)
 
Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, xin nêu lên một số kiến nghị như sau:
Một là, liên ngành tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về các tình tiết, như: “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” (quy định tại Điều 318 BLHS); tình tiết “bỏ trốn”“đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” (quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 175 BLHS). Đặc biệt là việc đánh giá những căn cứ để xác định yếu tố “bỏ trốn” nhằm chiếm đoạt tài sản và hướng dẫn cụ thể hơn về quy định dẫn giải đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS để có thể áp dụng việc dẫn giải khi chưa xác định yếu tố “liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án” trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Hai là, chính quyền các cấp cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả; phổ biến kịp thời các văn bản luật mới ban hành; đổi mới, đa dạng các hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ công chức, viên chức và Nhân dân trong công tác tố giác tội phạm.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Phối hợp chặt chẽ trong liên ngành để quán triệt và thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, chủ động đấu tranh với các loại tội phạm theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh nghiên cứu cách thức, phương pháp phối hợp, tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố cho cán bộ, công chức của các cơ quan phối hợp; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân trong việc kiểm tra, hướng dẫn công an cấp xã về hoạt động tiếp nhận, thụ lý, xác minh sơ bộ ban đầu đối với nguồn tin về tội phạm hiện nay.
Bốn là, phải xem việc bố trí cán bộ là công tác then chốt, vì con người là tất cả của mọi vấn đề; công tác bố trí cán bộ phải có tính ổn định lâu dài, có chính sách đào tạo kiểm sát viên theo hướng trở thành chuyên gia giỏi. Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết phải là người có tâm huyết, trách nhiệm với công việc được giao; có đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức nghiệp vụ và tuân thủ quy định của pháp luật.
Năm là, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện tốt thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao chất lượng kiểm sát từ khâu tiếp nhận đến xác minh, giải quyết và quyết định giải quyết của cơ quan điều tra; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra cùng cấp và các cơ quan liên ngành trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bảo đảm đúng thời hạn, đúng quy định; kịp thời phát hiện và ban hành các kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan liên quan. Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin tội phạm, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới; chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân để tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định pháp luật.
Sáu là, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong tình hình mới./.
  Bài, ảnh: Phạm Văn Phúc
 

Tổng số điểm của bài viết là: 396 trong 80 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 80 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay6,616
  • Tháng hiện tại176,305
  • Tổng lượt truy cập10,378,951
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây