Đầu tư, xây dựng và sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng trị; thực trạng và giải pháp

Thứ ba - 05/09/2023 05:38 361 0
Trong những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban ngành đoàn thể của tỉnh và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tỉnh Quảng Trị đã huy động, lồng ghép, bố trí các nguồn lực đầu tư xây dựng khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tỉnh nhà phát triển và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
 
z4664425206460 c3a8495f864d972963d622ac1ad02e91


Theo báo cáo giám sát chuyên đề năm 2023 của Ban VHXH HĐND về giám sát công tác xây dựng và sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có 98/125 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VHTT (chiếm 78,4%), trong đó có 75/98 Trung tâm VHTT đạt chuẩn (tỷ lệ 86,3%). Đối với thôn, bản, khu phố hiện nay có 774/800 đơn vị có nhà văn hóa- khu thể thao (chiếm tỷ lệ 96,6%), trong đó có 454/774 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 58,6%). Đối chiếu với các chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII “phấn đấu đến năm 2025, 100 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 100% làng, bản, khu phố, thôn có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó có 90% đạt chuẩn theo quy định” thì hiện nay tỷ lệ này vẫn còn thấp. Trong giai đoạn 2021-2023 toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách, các chương trình MTQG và nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với gần 300 tỷ đồng. Trong đó nguồn Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 95,08 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư phát triển: 157,681 tỷ đồng; nguồn kinh phí sự nghiệp: 18,099 tỷ đồng và các nguồn hợp pháp khác.
 
z4664429867879 2f45def7ec7fd5140173e7b7db7ac787


Việc đầu tư xây dựng và sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cơ sở đã và đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và thể chất của người dân, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trên địa bàn. Việc sử dụng tốt các thiết chế văn hóa cơ sở đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được như đã đề cập ở trên thì công tác đầu tư, xây dựng và sử dụng thiết chế văn hóa thể thao cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn đó là:
        Số lượng Trung tâm VHTT xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn còn nhiều (23/98 chiếm tỷ lệ 23,4%), có 27 xã, phường, thị trấn chưa có trung tâm văn hóa - thể thao, cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo diện tích, chỗ ngồi, thiếu trang thiết bị và các công trình phụ kèm theo. Toàn tỉnh có 320 Nhà văn hóa - khu thể thao chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất (chiếm tỷ lệ 41,3%) do đã được xây dựng từ nhiều năm trước,  nay xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo quy mô và diện tích, chỗ ngồi theo quy định của Trung ương, các trang thiết bị bên trong như âm thanh, loa máy và các công trình phụ đi kèm còn thiếu.

 
z4664425397491 8bba88c0c087dcc4b826c38b387b1bed


        Công tác quy hoạch xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương chưa được thực hiện, chưa đồng bộ với quy hoạch của huyện, một số địa phương không còn quỹ đất để bố trí. Một số thiết chế văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, tuy nhiên còn vướng về quy hoạch sử dụng đất, chưa được cấp phép chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
        Phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chủ yếu được xây dựng từ giai đoạn 1995-2005 nên không đáp ứng yêu cầu về quy mô, diện tích; cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị bên trong nên hiệu quả sử dụng thấp. Việc thực hiện sáp nhập thôn, xã theo quy định đã làm tăng quy mô dân số, theo đó các thiết chế hiện không đảm bảo diện tích sử dụng và có tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Một số địa phương khi xây dựng thiết chế văn hóa không rà soát kỹ quỹ đất nên có trường hợp nhà văn hóa thôn, xã làm quá xa dân, không thuận tiện trong sinh hoạt của người dân.
Việc sử dụng các thiết chế cơ sở ở nhiều nơi còn đơn điệu, chưa phong phú, chủ yếu chỉ tập trung vào các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng trong năm, chưa trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần thường xuyên của người dân. Cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, ít được tập huấn chuyên sâu nên chất lượng tham mưu, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh như Trung tâm văn hóa – điện ảnh, Trung tâm huấn luyện thi đấu thể thao, Bảo tàng, Thư viện, Đoàn nghệ thuật tỉnh được bố trí ở các vị trí thuận lợi nhưng chưa thực sự phát huy hết hiệu quả sử dụng. Công tác quản lý cơ sở vật chất ở một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công.
Công tác xã hội hóa tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn, đặc biệt các xã vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa nên nhiều hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao không được đầu, sữa chữa; một số thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện thiếu các công trình đa năng như: sân khấu đa năng, khu vui chơi giải trí; nhà thiếu nhi, sân thi đấu các môn thể thao...
Những hạn chế, khó khăn nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản đó là: Điều kiện kinh tế của tỉnh và các địa phương còn nhiều khó khăn nên nguồn ngân sách bố trí cho sự nghiệp văn hóa, thể thao hàng năm còn hạn chế; công tác xã hóa nhiều nơi gặp khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa; hoạt động của nhà văn hoá thôn, bản, khu phố chủ yếu do nhân dân đóng góp, nguồn ngân sách cấp xã hầu như không bố trí; tổ chức bộ máy, nhân sự tham mưu, phục vụ hoạt động văn hóa cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, đa số hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao. Từ những hạn chế, khó khăn nêu trên, để tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng và sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương, thiết nghĩ tỉnh Quảng Trị cần có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong thời gian tới đó là:
  Thứ nhất: Nghiên cứu ban hành chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cơ sở và xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công khai minh bạch các hoạt động đầu tư xây dựng, huy động xã hội hóa và có cơ chế quản lý đối với các nguồn xã hội hóa huy động được trên địa bàn.
Thứ hai: Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH, HĐND tỉnh về 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khu, điểm du lịch cộng đồng hiện chưa bảo đảm hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật. Có chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch kết hợp với khai thác các di sản văn hóa phi vật thể đạt hiệu quả cao; hỗ trợ các mô hình phát triển du lịch cộng đồng và tìm kiếm đầu ra cho các làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Thứ ba: Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình thiết chế văn hóa đã được xây dựng. Làm tốt công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Hoàn thiện công tác quy hoạch đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các thiết chế văn hóa để phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát các thiết chế có nhu cầu cần sửa chữa, nâng cấp, xây mới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huy động, lồng ghép, bố trí đảm bảo kinh phí từ ngân sách địa phương, nguồn sự nghiệp văn hóa để triển khai đầu tư nâng cấp, sữa chữa, xây mới các thiết chế văn hóa thể thao theo phân cấp quản lý. Có giải pháp phát huy công năng sử dụng các thiết chế văn hóa hiện có, nhất là các nhà văn hóa ở các đơn vị sáp nhập để tránh lãng phí tài sản nhà nước.
Bài, ảnh: BBT

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay20,501
  • Tháng hiện tại430,404
  • Tổng lượt truy cập7,392,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây