Tăng cường phòng, chống ma túy trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị

Thứ năm - 17/08/2023 05:31 1.508 0
Quảng Trị là đầu mối giao thông nằm ở trung điểm đất nước, với vị trí quan trọng - là điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay đến các cảng biển Miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng; có đường biên giới trên bộ dài 187 km giáp với nước bạn Lào, đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và cũng là vùng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy vùng người dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ, số đối tượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Các đối tượng lựa chọn phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi để mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy như lợi dụng các mối quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới, hoạt động qua lại đường mòn, đường tiểu ngạch để vận chuyển ma túy; lợi dụng bến sông, lối mòn trên biên giới để vận chuyển ma túy từ Lào qua Việt Nam. Nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức kém và một số thanh niên lêu lỏng, không có công ăn việc làm đã bị các đối tượng mua bán ma túy ở ngoại biên và nội địa lôi kéo, mua chuộc, làm chân rết, trung gian trong đường dây vận chuyển ma túy.
 
dan dan toc 1


 Từ năm 2017 đến năm 2022, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đấu tranh, phát hiện và bắt giữ 979 vụ/1447 đối tượng vi phạm pháp luật ma túy và thu giữ 1.260.925 viên MTTH; 4,24 kg Heroin; 8,99 kg cần sa khô. Trong đó có 324 vụ/439 đối tượng thuộc địa bàn miền núi và dân tộc thiểu số. Số lượng các vụ và đối tượng vi phạm pháp luật ma túy trên địa bàn miền núi và dân tộc thiểu số đều có xu hướng tăng dần qua các năm, số người đồng bào dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy tăng nhanh (năm 2017 có 16 vụ, 28 đối tượng; năm 2022 có 73 vụ, 104 đối tượng).
 
ban dan toc 3


Tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi đang có xu hướng ngày càng gia tăng, trẻ hóa, xâm nhập vào các các trường học, các làng bản vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng biên giới, nơi có trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn. Đến nay, chỉ riêng 02 huyện Đakrông và Hướng Hóa đã có 661 đối tượng sử dụng ma túy, chiếm 62% so với tổng số đối tượng sử dụng ma túy trong toàn tỉnh, trong đó có 360 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 55% so với tổng số đối tượng sử dụng ma túy của 02 huyện. Tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy đã gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi và dân tộc thiểu số và vùng biên giới của tỉnh.
 
ban dan toc 2


Qua khảo sát và làm việc với các đơn vị, địa phương, để thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy vùng người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Ban Dân tộc - HĐND tỉnh đã đề xuất kiến nghị:

Thứ nhất, Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống ma túy. Sớm ban hành quy định hướng dẫn chi tiết quy định tại khoản 4, Điều 3 Luật Phòng chống ma túy năm 2021: “Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ” để UBND tỉnh có căn cứ kịp thời xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và người làm công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh cần tăng cường giám sát tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về phòng chống ma túy, đồng thời sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và người làm công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Thứ ba, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tăng cường chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng làm tốt công tác phối hợp trong phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy. Tăng cường phối hợp với UBMTTQVN, các đoàn thể chính trị, đơn vị trường học và lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống ma túy theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo công ăn, việc làm, dạy nghề cho thanh niên, người trong độ tuổi lao động phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, yếu tố vùng miền, đặc biệt là những người sau cai nghiện trở về địa phương nhằm tạo điều kiện để giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Củng cố, nâng cao vị thế vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để lan tỏa những nét đẹp, tiến bộ trong phong tục tập quán, tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tôn trọng nhau, cùng nhau xây dựng thôn bản không có tệ nạn ma túy. Thực hiện tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá đúng tình hình về ma túy, nhất là khu vực biên giới, các vùng trọng điểm, công tác quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy và kiểm tra, giám sát các mô hình phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển các loại hàng hóa, thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc xuất xứ và thuốc lá điện tử từ Lào vào Quảng Trị; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn ma túy pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương phục vụ cho công tác phòng, chống ma túy: Đầu tư phương tiện, công tiện hiện đại hơn nữa để công tác đấu tranh phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao; kinh phí cho công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý người sau cai nghiện. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng chống ma túy. Xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và hợp tác hiệu quả thực chất về phòng chống ma túy với lực lượng chức năng hai tỉnh đối biên nước bạn Lào; quán triệt phương châm “chủ động giúp Bạn cũng là giúp mình”; thực hiện có hiệu quả các chương trình, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về phòng chống ma túy với nước bạn Lào. Có giải pháp động viên đối với lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng chống ma túy và xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và người làm công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định./.
Bài, ảnh: Mai Linh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay5,050
  • Tháng hiện tại185,392
  • Tổng lượt truy cập10,128,938
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây