Nâng cao hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân

Thứ tư - 12/02/2020 22:31 2.619 0
Hoạt động giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản nhất của Hội đồng nhân dân các cấp, bao gồm giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề.
Nâng cao hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Hội đồng Nhân dân
Giám sát có nhiều hình thức như: Xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cùng cấp; thông qua chất vấn tại kỳ họp; giám sát trực tiếp và giám sát thông qua xem xét các quyết định của cơ quan nhà nước cùng cấp... Trong đó, giám sát chuyên đề có vị trí rất quan trọng. Thực hiện tốt chức năng giám sát chuyên đề sẽ góp phần đảm bảo việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước cũng như Nghị quyết HĐND trong thực tế đời sống xã hội đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan dân cử.

Thời gian qua, HĐND tỉnh luôn không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giám sát của Thường trực, các Ban và của đại biểu HĐND. Hàng năm, Thường trực HĐND, các Ban HĐND đã chủ động xây dựng chương trình giám sát trình HĐND thông qua. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn giám sát; chủ động gửi đề cương, lịch giám sát đến cơ quan, đơn vị được giám sát để xây dựng báo cáo, chuẩn bị các điều kiện để đoàn giám sát làm việc theo yêu cầu  đoàn đặt ra. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã và đang có nhiều đổi mới và đạt những kết quả tốt. Các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên một số lĩnh vực đã được các đoàn giám sát phát hiện và kiến nghị kịp thời với UBND, các cơ quan, đơn vị xem xét và tập trung giải quyết. Các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát đã nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của HĐND, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, để các cơ quan chịu sự giám sát của HĐND tiếp thu, thực hiện kịp thời các kết luận, kiến nghị sau giám sát của đoàn giám sát thì cần chú trọng một số nội dung:

Thứ nhất, việc lựa chọn nội dung giám sát đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương, tránh dàn trãi. Trong đó cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc như: những chương trình, dự án, chính sách ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của phần đông nhân dân; các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, đất đai, cải cách thủ tục hành chính, ô nhiễm môi trường…

Thứ hai, thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát đảm bảo thống nhất, hạn chế chồng chéo về thời gian, địa bàn, đối tượng giám sát. Thành phần tham gia đoàn giám sát của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh cần mời thêm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại địa phương và những người am hiểu về lĩnh vực giám sát. Đề cương giám sát phải được xây dựng chi tiết, tạo điều kiện cho cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo đúng nội dung, yêu cầu. Quá trình triển khai giám sát tại các địa phương được các cơ quan liên quan, địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Thứ ba, hoạt động giám sát đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và công tâm, đánh giá đúng những kết quả đối tượng giám sát làm tốt, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫ đến những tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra những kiến nghị xác đáng.

Thứ tư, trước khi banh hành kết luận giám sát, chủ động tổ chức hội nghị mời thành phần đoàn giám sát và đối tượng chịu giám sát để trao đổi, giải trình thêm những vấn đề trong thực tế cần tạo sự thống nhất để báo cáo kết luận giám sát có chất lượng. Để các kết luận, kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc thì vấn đề quan trọng là các kết luận, kiến nghị của HĐND đảm bảo chuẩn xác, nội dung kiến nghị phải cụ thể, chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại, nguyên nhân trên cơ sở đó kiến nghị những biện pháp khắc phục thiết thực, tránh kiến nghị chung chung, các kết luận, kiến nghị đảm bảo đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát,

Thứ năm, coi trọng việc phân loại các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay thì Thường trực HĐND phải đôn đóc, có ý kiến yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện thì HĐND cũng phải tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chủ động thực hiện.

Thứ sáu, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND, theo dõi, cập nhật và rà soát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành. Những kiến nghị chưa được thực hiện nghiêm túc, hoặc tiến độ thực hiện chậm thì cần phải phân tích, đánh giá nguyên nhân và tìm biện pháp để khắc phục, nếu thấy cần thiết có thể tổ chức tái giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm kết luận và kiến nghị của đoàn giám sát cũng như những qui định pháp luật hoặc đưa nội dung kiến nghị trong cuộc giám sát ra chất vấn tại kỳ họp để bảo đảm việc thực hiện kiến nghị sau giám sát được nghiêm túc hoặc có thể ban hành nghị quyết đối với việc thực hiện kiến nghị giám sát nội dung trên.

Thứ bảy, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động giám sát chuyên đề trong quá trình giám sát cũng như sau giám sát và đưa tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để tạo điều kiện cho đại biểu HĐND và đông đảo cử tri, nhân dân cùng theo dõi, giám sát hoạt động giám sát và việc thực hiện kiến nghị giám sát./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay6,616
  • Tháng hiện tại178,052
  • Tổng lượt truy cập10,380,698
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây