Bài 1: Khó phát huy vai trò cơ quan dân cử

Thứ năm - 01/10/2020 03:43 1.226 0
Là một đột phá được Đảng đề ra cách đây 10 năm, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đã được nhiều địa phương thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tiếp tục đề ra chủ trương thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện như một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Vấn đề đặt ra là trong mô hình này, hoạt động của cơ quan dân cử liệu sẽ hình thức?
Bài 1: Khó phát huy vai trò cơ quan dân cử
Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh tham gia tiếp xúc cử tri
Nguồn: daibieunhandan.vn


Nhiều địa phương trong cả nước đã vận dụng mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, chủ yếu là ở cấp xã, một số ở cấp huyện. Qua đánh giá cho thấy, khi vận dụng mô hình này cái được lớn nhất là giảm được hội họp, mọi chủ trương, chính sách từ cấp trên chỉ đạo điều hành nhanh, kịp thời hơn; góp phần tinh giản biên chế. Tuy nhiên, điều cốt lõi trong mô hình này chính là HĐND rất khó phát huy được vai trò, vị trí như luật định.

Giảm hội họp, điều hành nhanh, dễ quy trách nhiệm

Hiệu quả thấy rõ cũng thật dễ hiểu bởi vì khi không áp dụng mô hình này, để quyết định một chủ trương thuộc thẩm quyền của cấp ủy là một quá trình khá dài, phải trải qua nhiều cuộc họp, giao ban, hội ý. Cũng chủ trương đó thì với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, quy trình và thời gian được rút ngắn, bởi một người trong 2 vai thì sự chỉ đạo, điều hành dĩ nhiên sẽ nhanh hơn, giảm bớt được những cuộc họp không cần thiết, nhất là tránh được sự bất đồng trong chủ trương khi trình ra so với 2 người.

Khi người đứng đầu cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thì việc sáp nhập Văn phòng cấp ủy với Văn phòng UBND là việc làm cần thiết, thuận tiện cho bộ máy giúp việc. Việc sáp nhập văn phòng cũng góp phần tinh gọn đầu mối, giảm biên chế và tiết kiệm nguồn ngân sách, nhất là chi thường xuyên.

Một điểm mạnh của mô hình này là tránh được tình trạng bao biện, làm thay của cấp ủy, khắc phục được tình trạng sai thẩm quyền hoặc buông lỏng công tác lãnh đạo của Đảng hoặc né tránh, chồng chéo trong quản lý, điều hành; đồng thời phát huy vai trò của người đứng đầu; nếu quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có những sai sót, khuyết điểm việc quy trách nhiệm cũng rõ ràng hơn.

Nhờ giảm hội họp, giao ban nên Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND có nhiều thời gian hơn cho điều hành công việc, gần dân, sát dân hơn. Lãnh đạo đồng thời là người trực tiếp điều hành nên việc thẩm định sự lãnh đạo, chỉ đạo với thực thi trong thực tế nhanh hơn, kịp thời khắc phục những sai sót, khuyết điểm nếu chưa hợp pháp và không khả thi, nhất là kịp thời trong sửa sai và có ngay các biện pháp khắc phục.

Cơ quan dân cử dễ hình thức?

Cái khó của mô hình này trước hết phải kể đến là người đảm nhiệm vai Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND sẽ phải đảm đương khối lượng công việc nhiều. Nếu làm việc thiếu khoa học sẽ dẫn đến lúng túng trong sắp xếp hài hòa giữa công tác đảng và công tác chính quyền.

Bên cạnh đó, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cũng khá bị động trong sắp xếp lịch công tác và bố trí hài hòa công việc, nhất là khi có những cuộc làm việc cấp trên điều động đột xuất và lại mời đích danh Bí thư hoặc Chủ tịch UBND thì người này không thể ủy quyền cho cấp phó đi thay. Họp hành nhiều, công việc khối lượng lớn mà không thu xếp được dễ dẫn tới quá tải, thời gian đi cơ sở sẽ ít đi, vì vậy người đó khó làm tròn vai chứ nói chi đến sâu sát và gần gũi nhân dân.

Một cái vướng của mô hình này chính là dễ lạm quyền, chuyên quyền, hách dịch nếu như người được chọn đảm đương không đủ tâm đức. Đây cũng là mặt trái của việc được giao quá nhiều quyền lực trong tay một cá nhân. Từ chỗ đứng đầu cả cấp ủy lại đứng đầu cả UBND, người này nắm trong tay gần như mọi quyền quyết định ở địa phương. Nếu đội ngũ cấp dưới và tham mưu không có người dám đấu tranh, phê bình, cùng với có nhiều kẻ xu nịnh, “tham” nhiều hơn “mưu”, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND lại không biết cầu thị, dân chủ thì độc đoán, chuyên chuyền và lạm quyền sẽ xảy ra. Từ đó, sẽ dẫn đến mất dân chủ, mất lòng tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, yếu tố địa bàn cũng khá quan trọng, nếu đặt một người đủ uy tín, năng lực, quyết đoán đảm nhận Bí thư kiêm Chủ tịch UBND ở một địa bàn người dân thuần nhất, đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, đồng thuận thì tốt. Ngược lại, đặt người này vào địa bàn phức tạp, nội bộ mất đoàn kết, cục bộ địa phương thì cũng rất khó phát huy.

Điều cốt lõi trong mô hình này chính là HĐND rất khó phát huy được vai trò, vị trí như Luật định. Bởi mặc dù người đứng đầu cơ quan UBND là cơ quan chấp hành của HĐND nhưng HĐND lại đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy mà đứng đầu là Bí thư. Khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thì các hoạt động của HĐND cũng khá khó khăn trong triển khai, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như cán bộ, tài chính - ngân sách, đầu tư công.

Thực tiễn cho thấy ở những địa phương tổ chức mô hình này, phó bí thư cấp ủy thường kiêm Chủ tịch HĐND, hoạt động cho chủ trương của HĐND, Thường trực HĐND đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giữa 2 kỳ họp cũng như quyết định các vấn đề UBND trình tại các kỳ họp khá hình thức. Bởi một lẽ, HĐND chỉ cho chủ trương vào các văn bản do UBND trình khi Thường trực cấp ủy, Ban Thường vụ, Ban chấp hành đã cho ý kiến, tức là thống nhất trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, mà người đứng đầu cấp ủy là Bí thư, đồng thời cũng là người trong vai trình - Chủ tịch UBND. Vẫn biết vai khác nhau thì thẩm quyền, tư cách khác nhau nhưng trong một con người với 2 vị trí thử hỏi có phải lúc nào cũng rạch ròi được.

Trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND chắc hẳn cũng lắm điều khó nói. Thật khó để kết luận giám sát mà chỉ rõ, phản biện nội dung UBND chấp hành chưa đúng, chưa trúng và kiến nghị khắc phục, bởi “vuốt mặt cũng phải nể mũi”, dù gì Chủ tịch UBND cũng là Bí thư cấp ủy; so vai vế trong Đảng, Chủ tịch HĐND cũng là cấp dưới. Thành thử ra ở nhiều nơi, HĐND (nhất là cấp xã) sinh ra chỉ đóng vai trò cho đúng cơ cấu luật định, rất khó khẳng định thực chất vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Theo Daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay6,616
  • Tháng hiện tại176,499
  • Tổng lượt truy cập10,379,145
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây