Tháng 7 tri ân - đôi điều suy ngẫm về không gian tưởng niệm tại các Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia

Thứ hai - 26/07/2021 07:08 2.613 0
Xây dựng, giữ gìn cảnh quan tại các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, nhân dân Quảng Trị mà còn là tâm nguyện của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, trong không gian tưởng niệm đặc biệt này việc xây dựng cần phải được nghiên cứu hết sức thận trọng, đảm bảo sự phù hợp chung trong tổng thể, tính chất của Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia. Vừa qua, Ông Hoàng Đức Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị khóa XV đã có quan điểm trách nhiệm, tâm huyết về việc nội dung này, Ban biên tập Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh trích đăng để độc giả cùng suy ngẫm.
 
Tháng 7 tri ân - đôi điều suy ngẫm về  không gian tưởng niệm tại các Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia
                                                                                      Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9

Một số vấn đề trao đổi

Tại Công văn số 4338/UBND-KGVX ngày 08/9/2020 của UBND TP Hà Nội đề xuất nội dung dự án “1. Nội dung dự án: Nâng cấp vỏ các ngôi mộ liệt sĩ: ốp bề mặt bằng đá Granit Bình Định. Cải tạo, sửa chữa biểu tượng Khu I. Cải tạo, sửa chữa nhà bia và bia ghi tên liệt sĩ. Cải tạo, sửa chữa hàng rào và hệ thống đường  đi trong khuôn viên các khu mộ liệt sĩ”. Như vậy, không hề có nội dung xây dựng “Đài tượng niệm liệt sĩ Trường Sơn –TP Hà Nội” như trong báo cáo phương án kiến trúc kèm theo, cũng như các văn bản trình của UBND tỉnh (Công văn số 2261/UBND-VX ngày 04 tháng 6 năm 2021 của UBND tỉnh về việc đề xuất phương án tôn tạo, nâng cấp các khu mộ liệt sĩ thành phố Hà Nội tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9).

Vấn đề quan trọng là cần thống nhất nhận thức về khái niệm Đài tưởng niệm liệt sĩ  trong mỗi Nghĩa trang liệt sĩ . Đài tượng niệm liệt sĩ hay Đài liệt sĩ là công trình nghệ thuật kiến trúc để tưởng niệm các liệt sĩ, là biểu tượng của lòng tri ân, là một trong những công trình ghi công liệt sĩ được pháp luật quy định. Ở mỗi Nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng một Đài tưởng niệm (Đài liệt sĩ) bố trí ở khu vực trung tâm hành lễ. Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đài tưởng niệm liệt sĩ là khối kiến trúc mang tính biểu tượng được đặt ngay ở trung tâm khu hành lễ. Theo đó, ở khu vực mộ liệt sĩ các địa phương thì xây dựng các Nhà bia, bia ghi danh liệt sĩ mang biểu tượng văn hoá đặc sắc của mỗi miền quê hương liệt sĩ. Như vậy, có nghĩa là: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn chỉ có một Đài tưởng niệm liệt sĩ (Đài liệt sĩ) duy nhất; không tổ chức không gian kiến trúc Đài liệt sĩ riêng ở mỗi khu mộ liệt sĩ các địa phương. Điều đó cho thấy, đề xuất phương án kiến trúc “Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn- TP Hà Nội thuộc Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” như tên gọi của phương án trình là không phù hợp. Trong trường hợp, nếu địa phương khác cũng đề xuất xây dựng các Đài tượng niệm liệt sĩ ở khu mộ liệt sĩ địa phương mình thì sẽ tạo ra “Tổ hợp” các Đài tưởng niệm liệt sĩ trong một Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia là điều không thể chấp nhận được.

Từ nhận thức đó, tôi đề nghị BTVTU, UBND tỉnh xem xét để thống nhất: Mỗi Nghĩa trang liệt sĩ nói chung và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn chỉ có một Đài tượng niệm liệt sĩ (Đài liệt sĩ) vốn đã khẳng định sự tồn tại, hiện hữu của nó như hiện nay; chứ không thể có việc đề xuất xây dựng riêng Đài tưởng niệm liệt sĩ các địa phương trong một Nghĩa trang liệt sĩ. Theo đó, chỉ thống nhất việc đề xuất cải tạo, sữa chữa Nhà bia, bia ghi danh liệt sĩ hiện nay của khu mộ liệt sĩ thành phố Hà Nội như bất cứ địa phương nào khác trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Nếu đề xuất trên đây được chấp thuận thì chuyển khái niệm “Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn –TP Hà Nội” thành Nhà bia
(trong đó có bia ghi danh liệt sĩ) và phải được thiết kế phù hợp các tiêu chí có tính kỹ thuật, mỹ thuật, quy mô kiến trúc không gian cho phù hợp như: Có tính biểu tượng văn hoá địa phương, có bia ghi danh liệt sĩ, có không gian để thực hiện nghi lễ tưởng niệm và có kích thước (quy mô) hợp lý, tương đồng với quy mô Nhà bia ghi danh liệt sĩ của các địa phương khác cũng như phối cảnh chung ở khu trung tâm hành lễ.

Về ý tưởng thiết kế xây dựng cảnh quan kết nối hai khu mộ liệt sĩ Hà Nội với Hà Tây như trong phương án kiến trúc chỉ phù hợp khi nó được thực hiện trong một không gian kiến trúc độc lập riêng cho khu mộ liệt sĩ Thủ đô. Trong trường hợp cụ thể này, nó là một phần tất yếu trong tổng thể không gian chung, do đó nhất thiết phải được đặt trong sự hài hòa không gian chung  toàn cảnh Nghĩa trang liệt sĩ; đó là nguyên tắc cơ bản nhất không thể tùy tiện thay đổi. Hiện nay, lối đi đến khu mộ liệt sĩ Hà Tây (c) nay đổi tên gọi thành Khu mộ liệt sĩ Thành phố Hà Nội cùng lối đi đến khu mộ liệt sĩ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình... nếu thực hiện phương án kết nối này sẽ dễ dẫn đến lầm tưởng sẽ kết nối tất cả mộ liệt sĩ của các tỉnh trên đây chứ không riêng gì cho liệt sĩ thành phố Hà Nội . Mặt khác, phương án này sẽ làm  kiến trúc tổng thể không gian chung bị phá vỡ theo lối “Tùy nghi sắp đặt”, gia tăng thêm diện tích có tính “Bê tông hóa, cứng hóa” hiện đã quá thừa thãi, thiên lệch cho một công trình Nghĩa trang liệt sĩ mang ý nghĩa tưởng niệm, tâm linh cần được hóa thân vào cảnh quan môi trường thiên nhiên hiện hữu và cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Do vậy, đề xuất này cần được cân nhắc thận trọng, không thể chấp nhận như phương án trình được.

Cũng cần thấy thêm rằng:Thực tế hiện nay không gian cảnh quan khu vực phía Nhà đón tiếp, khu Hầm chỉ huy, Nhà trưng bày...bên phải từ cổng chính vào đã “bê tông hóa” rất tệ hại! phá hủy cảnh quan thiên nhiên vốn có. Chưa kể Nhà trưng bày thiết kế Cos công trình âm, đập đi, phá lại, sửa chữa hết sức tốn kém mà tính hiệu quả không cao, phá vỡ môi trường thiên nhiên, hết sức bất cập với khu hành lễ tưởng niệm Bác Hồ...Cùng với thiết kế xây dựng một hàng rào và cổng chính hết sức nặng nề, không phù hợp không gian thiên nhiên và tiêu tốn rất nhiều tiền!...

 
nghia tran truong son 1
Một góc Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Kiến nghị một số giải pháp
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9; khu di tích Thành Cổ Quảng Trị là 3 di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia có vị trí hết sức quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây không chỉ là nơi an nghĩ của hàng vạn liệt sĩ con em mọi miền Tổ quốc, mà còn là công trình có tính nghệ thuật, biểu tượng tâm linh, tri ân liệt sĩ, là điểm đến không thể thiếu được trong hành trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội” và là di sản vô giá của dân tộc và tỉnh ta, được các thế hệ lãnh đạo đặc biệt quan tâm, được Nhà nước đầu tư xây dựng, tôn tạo cùng với sự đóng góp hỗ trợ từ nguồn lực xã hội khác. Ý nghĩa đặc biệt đó luôn yêu cầu mỗi việc làm (cải tạo, sữa chữa, nâng cấp,...) tại đây phải là việc làm hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, suy xét kỹ càng với nhận thức đầy đủ, toàn diện và kiến thức chuyên môn sâu, không có chỗ cho lối tư duy vội vã, đơn giản, dễ dãi, tùy tiện, cảm tính, ngắn hạn, “tư duy nhiệm kỳ”... khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ và yêu cầu đầu tư của bất cứ tổ chức, cá nhân nào!.

Thực tế, khi xây dựng các Khu di tích lịch sử này đã có quy hoạch, song đến nay một phần quy hoạch ban đầu không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một phần khi thực hiện các chủ trương, dự án đầu tư cải tạo, sữa chữa, nâng cấp nên quy hoạch bị tùy tiện thay đổi, phá vỡ; mỗi thời kỳ đầu tư, nâng cấp, sữa chữa mỗi kiểu khác nhau; hay nói cách khác hiện trạng tổ chức không gian quy hoạch các di tích lịch sử này chưa thật sự khoa học, định hướng rõ ràng, trang nghiêm, mỹ quan, bền vững và đúng tầm giá trị lịch sử, tâm linh của nó.

Bởi vậy, tôi đề nghị BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo nghiên cứu, kiểm tra, khảo sát đánh giá toàn diện, cụ thể thực trạng  hiện nay tại 3 di tích lịch sử Quốc gia lịch sử đặc biệt này (Nếu có thể mở rộng đến tất cả các điểm, khu di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên địa bàn: Thực trạng về quy hoạch không gian kiến trúc, cơ sở vật chất, con người, cơ chế quản lý...); trên cơ sở đó để rà soát, bổ sung quy hoạch thống nhất làm cơ sở định hướng, dẫn dắt quá trình đầu tư sữa chữa, nâng cấp, cải tạo một cách căn cơ, bài bản, cũng như giải quyết những bất cập hiện nay để nâng tầm các di tích lịch sử đặc biệt này, phục vụ định hướng phát triển du lịch tâm linh trong hành trình về nguồn, du lịch tâm linh, hoài niệm như mong muốn kỳ vọng của Quảng Trị chúng ta.

Bên cạnh đó, hiện nay, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, các địa phương đều xây dựng các Nhà bia, bia ghi danh liệt sĩ, các biểu tượng văn hóa địa phương... Bên cạnh những giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh tích cực thì một thực tế rất đáng quan ngại là sự thiếu đồng bộ trong sắp xếp vị trí, tổ chức không gian, quy mô, kích thước không thống nhất (Cao, thấp, rộng, dài khác nhau, rất lỗ đỗ), không có quy định, quy chuẩn nào thống nhất mà chủ yếu được thực hiện theo lối “tùy tâm, tùy lực, tùy thích”.  Một số Tỉnh, Thành phố chủ động đầu tư nâng cấp các ngôi mộ liệt sĩ (ốp đá) khang trang thể hiện tấm lòng tri ân đối với liệt sĩ quê hương mình. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong một không gian chung của Nghĩa trang. Vì thế, tôi đề nghị cần có chủ trương thống nhất để báo cáo Trung ương, vận động các địa phương kết hợp huy động các nguồn lực xã hội khác để cùng nhau đầu tư nâng cấp vỏ mộ liệt sĩ một cách đồng bộ, thống nhất, không để nơi có, nơi không dẫn đến những tâm trạng không đáng có đối với liệt sĩ, thân nhân của liệt sĩ và đồng bào, đồng chí, du khách mỗi lần đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ.  Đồng thời, cần quy định, quy chuẩn hóa thống nhất việc xây dựng các công trình này.

Việc tổ chức phục vụ khách đến viếng nghĩa trang liệt sĩ cũng cần ra soát lại từ điểm dừng xe, đi bộ, Barie trong nghĩa trang, dãi xích phân cách ở bậc lên xuống(tam cấp) khu hành lễ.. bảo đảm sự thống nhất, nền nếp, không phân biệt “quan khách” với nhân dân, nhất là các Đoàn Cựu chiến binh, người có công với nước.

 Nghiên cứu để có phương án di chuyển “Bia công tích” về ngay khu Trung tâm hành lễ để phục vụ đồng bào, du khách tìm hiểu giá trị lịch sử to lớn của “Đường mòn Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.

 Nghiên cứu về công tác quản lý di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn với “Di tích lịch sử Cầu Treo- Bến Tắt, Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn-Bến Tắt” để phát huy tốt nhất giá trị các công trình có sự liên kết này.

Đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo vệ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không để đồng bào (chủ yếu phụ nữ, trẻ em) chèo khéo khách mua đồ lễ cúng, xin tiền...trong Nghĩa trang liệt sĩ, nhất là những dịp lễ lớn gây phản cảm, tạo hình ảnh xấu đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước và du khách khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
                                                     
     Hoàng Đức Thắng

UVBTV Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
*Tựa đề và các tít trong bài do Ban biên tập đặt.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay6,412
  • Tháng hiện tại186,754
  • Tổng lượt truy cập10,130,300
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây