Kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021

Thứ tư - 16/03/2022 22:07 1.019 0
Điều 70 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định trách nhiệm của HĐND các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ban hành quy định để thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết định các chủ trương, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm được giao phù hợp với tình hình phát triển KT - XH, điều kiện cụ thể của địa phương; giám sát việc tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát việc thực hiện công khai các lĩnh vực, hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước; lao động, thời gian lao động, tài nguyên và kết quả thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương.
 
 
image001
Ứng dụng CNTT vào hoạt động văn phòng HĐND tỉnh giúp tiết kiệm chi phí hành chính - Ảnh: Báo Quảng Trị

Giai đoạn 2016 - 2021, HĐND tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách, định mức chi thường xuyên theo nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công theo nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016; phân bổ dự toán hằng năm, phê duyệt chủ trương đầu tư và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển; quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, thẩm quyền xem xét, quyết định trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND ngày 08/12/2018; nhà, đất công vụ; công trình phúc lợi công cộng; quy định chế độ, chính sách địa phương; thông qua chỉ tiêu biên chế công chức, số người làm việc, hợp đồng lao động và biên chế hội hằng năm. Ngoài quy định của pháp luật cấp trên thì đây là những định mức, tiêu chuẩn, chế độ thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh làm căn cứ để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.
 
Trên địa bàn tỉnh, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trên lĩnh vực ngân sách khi phân bổ dự toán thuộc ngân sách tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên (ngoài lương và các khoản có tính chất lương, các khoản chi cho con người) để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương; tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững; tiết kiệm kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế; kinh phí tiết kiệm chi quản lý hành chính, tổng kinh phí tiết kiệm trên 528 tỉ đồng.
 
Về quản lý, sử dụng tài sản công, đã rà soát phê duyệt 1.196 cơ sơ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó có 1.084 cơ sở nhà, đất được phê duyệt theo hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng; 107 cơ sở nhà, đất được phê duyệt theo hình thức điều chuyển; 5 cơ sở nhà, đất được phê duyệt theo hình thức thu hồi. Thực hiện rà soát sắp xếp xe ô tô, nhà, đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
 
Đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước tiên là lựa chọn danh mục dự án đầu tư từ nhu cầu thiết yếu của địa phương, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển KT -XH của tỉnh; kế tiếp là phân bổ kế hoạch vốn phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên, bố trí vốn thực hiện hoàn thành công trình đúng thời gian quy định, không bố trí dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; trong điều hành thường xuyên kiểm soát chặt chẽ quy mô hạng mục và tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo khả năng cân đối, một số dự án phải điều chỉnh lại quy mô, giải pháp kỹ thuật và phân kỳ đầu tư phù hợp với hạn mức vốn, ưu tiên thực hiện hoàn thành những hạng mục thực sự cấp thiết phục vụ mục tiêu chính của dự án; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực về cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư và xúc tiến đầu tư; thực hiện các chương trình, dự án đầu tư với phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm; xã hội hóa đầu tư trong một số ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.
 
Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; Nghị định số 117/2013/ NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP nhằm giúp các đơn vị chủ động trong sử dụng kinh phí được giao, đồng thời tăng cường hiệu quả công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
 
Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 242 cơ quan quản lý nhà nước và 519 đơn vị sự nghiệp (gồm 114 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh và 405 đơn vị thuộc huyện). Trong đó, có 4 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và chi đầu tư, 44 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, 75 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên, 396 đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được giao; đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ, tạo động lực để chủ động trong sử dụng biên chế và kinh phí, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; công khai, minh bạch hoạt động tài chính mang lại thu nhập cao hơn cho viên chức, người làm việc tại đơn vị.
 
Về tiết kiệm biên chế, đã thực hiện tinh giản biên chế và cắt giảm biên chế đối với 2.442 chỉ tiêu (gồm tinh giản 952 chỉ tiêu, chiếm 44,49%; cắt giảm 1.490 chỉ tiêu, chiếm 69,63%). Trong đó, biên chế hành chính 244 chỉ tiêu; sự nghiệp 1.989 chỉ tiêu; cán bộ, công chức cấp xã 209 chỉ tiêu.
 
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 đã bám sát định mức, tiêu chuẩn, chế độ của HĐND tỉnh ban hành và các quy định của pháp luật; gắn với cải cách hành chính và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, đây cúng là nguyên tắc bắt buộc được quy định tại Điều 4 Luật THTK, CLP. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2021 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh; thu ngân sách trên địa bàn bình quân của giai đoạn là hoàn thành và vượt dự toán HĐND tỉnh giao nhưng cũng có những năm hụt thu cân đối (năm 2017 đến 2019 thu ngân sách cấp tỉnh không đạt dự toán) nên phải sắp xếp lại nhiệm vụ chi, thực hành tiết kiệm trong mỗi nhiệm vụ chi để đảm bảo nguồn kinh phí đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát triển KT - XH, QP - AN; các chính sách an sinh xã hội; các nhiệm vụ theo dự toán và phát sinh trong năm như: Phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiên tai, tái thiết sản xuất trên địa bàn.
 
Năm 2022, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Quyết định số 2262/ QĐ-TTg ngày 31/12/2021 với mục tiêu quan trọng nhằm tạo nguồn lực góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022.

 
Lê Thiện – Lê Minh Tiến
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay6,111
  • Tháng hiện tại186,453
  • Tổng lượt truy cập10,129,999
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây