Kỳ họp thứ nhất - khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Thứ ba - 10/08/2021 09:56 900 0
Sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, phóng viên Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh đã có trao đổi với ông Hoàng Đức Thắng, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh về các thông tin về kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV.
 
 
hoang duc thang

PV:  Thưa ông, ông cho biết những nội dung cơ bản về kết quả kỳ họp lần thứ Nhất QH khóa XV là gì?
Ông Hoàng Đức Thắng: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra 9 ngày từ 20/7-28/7/2021 có tính lịch sử và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm 08 ngày so với chương trình đã được thông qua và đã thành công, khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với những nội dung trọng tâm sau đây:
 Tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; Quốc hội khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp và bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu được bầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu hợp lý và tỷ lệ đại diện của các tầng lớp Nhân dân trong Quốc hội; tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng; tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trúng cử là người dân tộc thiểu số, phụ nữ đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước; trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
 Về công tác tổ chức, nhân sự; Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ).
Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 01 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp.
Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Quốc hội khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đất nước ta đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại,…Đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 161.490.730 triệu đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo...
 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cgiai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước; và yêu cầu trong tổ chức thực hiện, cần phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP.
Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 của ngân sách trung ương khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Nợ công hằng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, đề ra một số giải pháp cơ bản như: Nghiên cứu, sửa đổi Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn,  tăng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt,... Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,...
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng); trong đó, bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 03 dự án quan trọng quốc gia, 38.738 tỷ đồng để đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông gia đoạn 2021-2025.
 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ vốn đầu tư phát triển.
 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó đã giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương cho cả 3 Chương trình (giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030).
Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đó, điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 3. Chương trình năm 2022 gồm 09 dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022 là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại kỳ họp thứ 3 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV. Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, khẳng định cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch,…

 
anh doan ky hop 1 1
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chụp hình lưu niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính


PV: Trong bối cảnh tập trung phòng chống dịch Covid 19 thì Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức việc tiếp xúc , lấy ý kiến cử tri và Nhân dân trong tỉnh sau kỳ họp lần thứ nhất QH khóa XV này như thế nào, thưa ông?
 Căn cứ vào tình hình thực tế về đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương; nhằm kịp thời thông báo kết quả kỳ họp cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ban hành kế hoạch tiếp xúc cử tri trong bối cảnh “ đặc biệt” này. Theo đó, thông qua Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH tỉnh và các phương tiện thông tin khác để chuyển tải thông tin kết quả kỳ họp đến cử tri được biết. Đồng thời, tiếp xúc, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Tiếp nhận ý kiến cử tri qua làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin điện tử khác (Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH tỉnh, Trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQVN tỉnh; qua email các chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQVN tỉnh); qua hộp thư, điện thoại, email cử tri gửi đến Đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh...Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua tiếp công dân tại trụ sở Đoàn và cá nhân các Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các hình thức linh hoạt khác. Mọi thông tin, ý kiến xin gữi về Đoàn ĐBQH tỉnh trước 15/8/2021 để tổng hợp chung. Trong điều kiện như vậy, kính mong cử tri và Nhân dân trong tỉnh chia sẻ ủng hộ, phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh để thực hiện tốt yêu cầu trên đây.


 
Phương Thanh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm70
  • Hôm nay17,228
  • Tháng hiện tại220,929
  • Tổng lượt truy cập9,174,009
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây