Nâng cao chất lượng thẩm tra Dự thảo Nghị quyết chuyên đề

Thứ năm - 23/04/2020 05:33 1.933 0
Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban và của các đại biểu HĐND. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp tỉnh cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết tại các kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của HĐND tỉnh nói chung và việc nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND nói riêng.
Nâng cao chất lượng thẩm tra Dự thảo Nghị quyết chuyên đề
Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban và của các đại biểu HĐND. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp tỉnh cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết tại các kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của HĐND tỉnh nói chung và việc nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND nói riêng.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết là xem xét tính phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của nội dung dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; sự phù hợp, tính khả thi của nội dung dự thảo với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Báo cáo thẩm tra của các ban HĐND là một “kênh thông tin” đáng tin cậy để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận trước khi quyết định thông qua nghị quyết. Chính vì vậy chất lượng của việc thẩm tra dự thảo nghị quyết sẽ góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng nghị quyết HĐND. Để nâng cao chất lượng thẩm tra thì quy trình thẩm tra phải khoa học, hoạt động thẩm tra phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, thể hiện chính kiến nhằm phát hiện các vấn đề chưa phù hợp để đại biểu tập trung thảo luận và quyết định.
Thứ nhất, Thường trực HĐND, các ban HĐND và các bộ phận có liên quan đến nội dung thẩm tra chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng nghị quyết: Hiện nay, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, muốn trình HĐND tỉnh ban hành 1 nghị quyết quy phạm pháp luật, phải tiến hành theo 2 bước: Đề nghị xây dựng nghị quyết và soạn thảo, ban hành nghị quyết. Đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định (điều 111). Vì vậy, khi xem xét đề nghị xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh cần yêu cầu UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy định tại điều 117, trong đó lưu ý đến việc lấy ý kiến đối tượng tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết và các cơ quan, tổ chức có liên quan; nội dung đánh giá tác động của chính sách, báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách. Để đảm bảo chặt chẽ từ bước đầu, Thường trực HĐND nên giao các ban HĐND tổ chức thẩm tra để tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh về sự cần thiết; mục tiêu, quan điểm xây dựng; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, thẩm tra ban đầu của các ban HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp để xem xét quyết định các nội dung danh mục đề nghị xây dựng nghị quyết. Việc chủ động tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết sẽ góp phần nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra và vai trò quyết định của HĐND, đồng thời hạn chế được sự lãng phí nguồn lực khi các dự thảo nghị quyết đã thực hiện xong các bước theo quy định, nhưng khi các ban HĐND tỉnh thẩm tra dự thảo nghị quyết lại không thông qua, do chưa đủ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.
 Thứ hai, các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo Nghị quyết phải được gửi đến HĐND tỉnh đúng thời gian; hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết và các văn bản thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết phải đầy đủ theo điều 114 và 115 của Luật Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 như: Tờ trình, dự thảo nghị quyết, bản tổng hợp, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo nghị quyết, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp...
Thứ ba, công tác thẩm tra phải được tổ chức kỹ lưỡng, khoa học và chất lượng: Bộ phận giúp việc, tham mưu chủ động khâu nối, phối hợp với UBND tỉnh, cơ quan chủ trì xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết và các cơ quan khác để thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra và chuyển các tài liệu cần thiết cho thành viên các Ban nghiên cứu trước khi tiến hành thẩm tra. Các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết cần được gửi sớm, đầy đủ cho các thành viên nghiên cứu để chuẩn bị trước những ý kiến cần thẩm tra, nhằm có tính chuyên sâu, ban nên phân công từng thành viên nghiên cứu sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách để các phiên thẩm tra hoặc làm việc trực tiếp với những đơn vị liên quan, thành viên đoàn sẽ dành thời gian nhiều thời gian nêu vấn đề, chất vấn, trao đổi, giải trình làm rõ các nội dung theo yêu cầu. Việc bố trí thời gian và lựa chọn đối tượng khảo sát, làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan để phục vụ cho công tác thẩm tra phải chọn lọc, đảm bảo hợp lý, khoa học, tránh chồng chéo, dàn trãi.
Thứ 4, xây dựng báo cáo thẩm tra chặt chẽ, chất lượng: Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND là kết quả của quá trình thực hiện chức năng giám sát, thẩm tra của HĐND và đó cũng chính là bản “kiểm định” chất lượng của dự thảo nghị quyết. Nội dung báo cáo thẩm tra cần phải khẳng định tính phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gắn với thực tiễn tình hình phát triển KT - XH ở địa phương. Bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, báo cáo cần phân tích những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau nhằm gợi mở, cung cấp thông tin trọng tâm cho đại biểu tập trung xem xét, thảo luận. Báo cáo thẩm tra phải nêu rõ ý kiến đánh giá của Ban về những vấn đề được Ban nhất trí, không nhất trí và những kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất giải pháp xác đáng có tính thuyết phục để làm cơ sở cho HĐND quyết nghị.
Để nâng cao chất lượng thẩm tra, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ thì thành viên của Ban phải nhiệt tình, trách nhiệm, có kiến thức thực tiễn, có kỹ năng hoạt động và dành thời gian đảm bảo nghiên cứu các nội dung liên quan đến lĩnh vực thẩm tra và các điều kiện thực tế của địa phương; bộ máy giúp việc Ban phải có năng lực và đảm bảo tính chuyên sâu. Tăng cường công tác phối hợp hoạt động giữa HĐND với UBND,  UBMTTQVN và các đơn vị liên quan tạo thành hệ thống đồng bộ, nhất quán trong công tác chuẩn bị báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết để công tác thẩm tra được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.
Mai Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay6,616
  • Tháng hiện tại176,490
  • Tổng lượt truy cập10,379,136
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây