Một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giám sát công tác xét xử các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ hai - 24/02/2025 04:32 69 0
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Cấp ủy địa phương, cùng với sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần trách nhiệm cao của công chức, người lao động nên Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tích trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự.
xxanhinhsu 1
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với TAND huyện Hướng Hóa
 
Tòa án hai cấp đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết tốt vụ án, hầu hết các vụ án, nhất là các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được các Tòa án khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; các vụ án được giải quyết, xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, hình phạt áp dụng thỏa đáng góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn, với một số kết quả nỗi bật, như:

Một là, Tòa án nhân dân hai cấp đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan đến hoạt động xét xử các vụ án hình sự. Tỷ lệ giải quyết án đạt cao (Từ ngày 01/10/2020 - 30/9/2023, TAND hai cấp tỉnh Quảng Trị đã thụ lý 1.544 vụ/2.450 bị cáo; đã giải quyết: 1.543 vụ/2.447 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,9%; Trong đó: Xét xử: 1.489 vụ/2.302 bị cáo, chiếm tỷ lệ 96,5%; đình chỉ: 07 vụ/11 bị cáo, chiếm tỷ lệ 0,5%; trả hồ sơ để điều tra bổ sung: 47 vụ/134 bị cáo, chiếm tỷ lệ 3%); tỷ lệ án bị hủy, bị sửa dưới mức cho phép theo quy định. Kết quả giải quyết các vụ án hình sự đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và công tác cải cách tư pháp tại địa phương.

Hai là, công tác giải quyết các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; việc áp dụng hình phạt thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; đối với các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, TAND hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ba là, Tòa án nhân dân hai cấp luôn chú trọng đến việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, tạo điều kiện và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong công tác nên các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định; trong giai đoạn 2020-2023 không có trường hợp nào kết án oan người vô tội.

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức được quan tâm; công tác sắp xếp sử dụng cán bộ và quy hoạch cán bộ được thực hiện đúng quy trình, thủ tục nhờ đó đã phát huy tốt năng lực, sở trường công tác của công chức; cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc đang dần được cải thiện; trách nhiệm trong công việc và thái độ phục vụ Nhân dân của công chức ngành Tòa án nhân dân được nâng cao (Tỷ lệ công chức có trình độ Đại học chiếm 84,2%; 12,5% công chức có trình độ Thạc sỹ; 0,8 % công chức có trình độ tiến sỹ; 61% công chức có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; tỷ lệ công chức nữ 39,2%; đội ngũ Thẩm phán, Thư ký 100% có trình độ cử nhân Luật).

Tuy nhiên hoạt động xét xử các vụ án hình sự trong giai đoạn 2020-2023 vần còn một số tồn tại, hạn chế như:

Một là, tình trạng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy tỷ lệ thấp nhưng vẫn còn. Việc các cơ quan tố tụng hoặc các cấp xét xử có nhận thức, quan điểm khác nhau về áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử lý vật chứng, dẫn đến một số bản án bị sửa một phần về phần hình phạt và xử lý vật chứng. Công tác xét xử trực tuyến, lưu động tại một số TAND huyện chưa được quan tâm triển khai thực hiện; một số đơn vị có tổ chức triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao (Án hình sự sơ thẩm cấp huyện bị hủy 05 vụ, bị sửa 09 vụ; Án án hình sự cấp tỉnh bị hủy 01 vụ, bị sửa 07 vụ).

 
xxanhinhsu 2
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với TAND huyện Gio Linh

Hai là, đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp, chức danh lãnh đạo, quản lý còn thiếu so với yêu cầu; số lượng biên chế Thẩm phán được giao chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.

Ba là, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Tòa án, nhất là Tòa án nhân dân cấp huyện còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động xét xử theo hình thức trực tuyến, xét xử lưu động; nhiều vị trí việc làm không có biên chế (Văn thư, bảo vệ, lái xe, công nghệ thông tin) gây khó khăn cho hoạt động của ngành Tòa án nhân dân, nhất là Tòa nhân dân cấp huyện.

Bốn là, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, với nhiều quy định mới hoặc nội dung sửa đổi căn bản, tuy nhiên chưa có nhiều văn bản giải thích pháp luật hoặc hướng dẫn thực hiện. Một số tội danh như buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm khung hình phạt vẫn còn cao, chưa phù hợp với thực tiễn; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn có nhiều vướng mắc, bất cập khi xác định tội danh cũng như định khung hình phạt gây khó khăn trong nhận định của các Thẩm phán khi luận hình.

Năm là, năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của một số cán bộ, công chức, trong đó có Thẩm phán thuộc TAND hai cấp còn hạn chế; một số trang thiết bị phục vụ công tác chậm được trang cấp; một số đơn vị TAND có số lượng án nhiều, trong khi số lượng Thẩm phán ít, một số Hội thẩm Tòa án nhân dân không có chuyên môn sâu về lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, kinh nghiệm xét xử còn hạn chế; giai đoạn 2020 - 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xét xử của TAND hai cấp.

Một số kiến nghị liên quan đến hoạt động xét xử các vụ án hình sự giai đoạn 2020-2023.

Một là, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục quan tâm đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác giải quyết, xét xử các vụ án nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án; Bố trí biên chế công chức đảm nhận lĩnh vực công nghệ thông tin ở Tòa án nhân dân cấp huyện;  Quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở TAND cấp huyện (Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh, Đakrông) và kinh phí hoạt động, mua sắm trang thiết bị cho Tòa án nhân dân hai cấp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách tư pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Hai là, đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường hoạt động giám sát đối với các cơ quan tố tụng nói chung và hoạt động của Tòa án nhân dân nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các cơ quan tư pháp, đặc biệt là hoạt động xét xử các vụ án hình sự trên địa bàn trong thời gian tới.

Ba là, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy đang có xu hướng gia tăng về số vụ, số bị cáo, khối lượng ma túy mua bán, tàng trữ, vận chuyển ngày càng lớn. Quan tâm hỗ trợ Toà án nhân dân kinh phí tổ chức phiên toà lưu động tại các địa phương, vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa tội phạm và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật trong Nhân dân. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật trong Nhân dân. Quan tâm chỉ đạo chính quyền cơ sở phối hợp tốt với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương tăng cường biện pháp quản lý, giáo dục trong nhà trường và cộng đồng dân cư nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội ở độ tuổi chưa thành niên. Chỉ đạo chính quyền cơ sở theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng bị án phạt tù cho hưởng án treo, bị án áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ tại địa phương; chỉ đạo UBND các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng quan tâm bố trí quỹ đất cho Tòa án nhân dân các huyện xây dựng trụ sở làm việc đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp. Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để TAND hai cấp thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục kiểm sát chặt chẽ và thường xuyên đối với công tác xét xử các loại án nói chung và xét xử các vụ án hình sự nói riêng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội.

 
xxanhinhsu 3
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với TAND thành phố Đông Hà

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát công tác xét xử các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tổ chức TAND, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 06/11/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 17/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án và các văn bản có liên quan. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Thông báo Kết luận số 406/TB-HĐND ngày 23/12/2024 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác xét xử các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2023.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu giải quyết các loại án, trong đó có án hình sự, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, án quá hạn luật định; hạn chế thấp nhất án hủy, án sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán. Tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; đối với các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, Tòa án nhân dân hai cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời đưa ra xét xử. Quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán, Thư ký TAND để hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm trong hoạt động xét xử; tiếp tục triển khai sâu rộng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, đảm bảo cho bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác thực hiện các quyền đúng quy định pháp luật.

Ba là, chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm của các Thẩm phán, Thư ký trong giải quyết án. Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, thu thập, đánh giá chứng cứ đầy đủ, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đúng quy định của pháp luật; hạn chế thấp nhất hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với bị cáo nghiện ma túy. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác thi hành án hình sự, việc hoãn, tạm hoãn thi hành án, giảm thời gian thử thách án treo phải đúng quy định của pháp luật. Quan tâm hơn nữa về công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm trong công tác xét xử, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của người cán bộ Tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Tăng cường trao đổi nghiệp vụ và tổng kết rút kinh nghiệm công tác xét xử các vụ án hình sự; quan tâm tập huấn nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xét xử các loại án cho Hội thẩm Tòa án nhân dân hai cấp đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, Tòa án nhân dân hai cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan tố tụng tăng cường xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm trong Nhân dân; tăng số phiên tòa rút kinh nghiệm để kịp thời hướng dẫn, khắc phục thiếu sót trong công tác xét xử.

Năm là, Tòa án nhân dân hai cấp cần hối hợp tốt với Ủy ban MTTQVN cùng cấp để lựa chọn nhân sự tham gia Hội thẩm Tòa án nhân dân hai cấp đảm bảo phẩm chất, đạo đức cũng như trình độ chuyện môn, năng lực hoạt động xét xử.

Sáu là, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh để quán triệt tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

Bảy là, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng chống tội phạm; tiếp tục chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm đặc biệt là tội phạm về ma túy; theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng bị án phạt tù cho hưởng án treo, bị án áp dụng các biện pháp cải tạo không giam giữ tại địa phương.

Tám là, chính quyền các cấp tùy theo khả năng cân đối ngân sách cần quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ cho Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện chế độ chính sách đối với Hội thẩm Tòa án nhân dân và tổ chức các phiên tòa lưu động tại các địa phương vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm trên địa bàn./.


Bài, ảnh: Phạm Văn Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay8,539
  • Tháng hiện tại242,206
  • Tổng lượt truy cập10,997,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây