Tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh qua các thời kỳ

Thứ năm - 22/08/2024 02:19 71 0
Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 63-SL. Theo đó, nước Việt Nam đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính (UBHC). HĐND do dân bầu ra; UBHC do các HĐND bầu ra. Ở hai cấp xã và tỉnh có HĐND và UBHC; ở các cấp huyện và kỳ chỉ có UBHC. Ngày 21/12/1945 ban hành Sắc lệnh số 77/SL quy định chính quyền địa phương được tổ chức thành 4 cấp, gồm: kỳ, tỉnh, huyện và xã. Đối với tỉnh và xã; thành phố, thị xã được xác định là cấp chính quyền hoàn chỉnh có HĐND và UBHC; riêng kỳ và huyện chỉ có UBHC. Nhiệm kỳ của HĐND các cấp là 2 năm.
tochuchdnd1
Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại xã Đakrông, huyện Đakrông - Ảnh: H.V.A


Ngày 28/2/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ban hành Sắc lệnh số 3NV/SL “Tạm thời cho đến khi có lệnh mới, các tuyển cử vào HĐND và UBHC đều tạm hoãn. Các HĐND và UBHC vẫn tiếp tục làm việc dù đã mãn khóa”.

Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 1958, ngày 29/4/1958, Quốc hội khoá I thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm kỳ HĐND cấp tỉnh là 3 năm, các cấp khác 2 năm. Hầu hết các cấp hành chính đều có HĐND và UBHC, riêng huyện chỉ có UBHC, không có HĐND. HĐND bầu UBHC cùng cấp, HĐND cấp xã bầu UBHC huyện.

Theo Luật Tổ chức HĐND và UBHC năm 1962, tất cả các đơn vị hành chính đều lập HĐND và UBHC. Nhiệm kỳ HĐND tỉnh vẫn là 3 năm, các cấp khác là 2 năm. Tùy theo nhu cầu công tác HĐND có thể lập các ban của HĐND. Thành viên của các ban không chỉ là đại biểu HĐND mà có thể cử thêm người ngoài HĐND. Quyền hạn của đại biểu HĐND được bổ sung thêm quyền chất vấn UBHC và các cơ quan chuyên môn thuộc UBHC.

Theo Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1983, nhiệm kỳ của HĐND cấp tỉnh 4 năm. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp vừa được luật quy định cụ thể theo từng lĩnh vực, vừa quy định theo từng cấp đơn vị hành chính. Luật năm 1983 quy định bắt buộc thành lập các ban chuyên trách, ban thư ký để giúp chủ tịch UBND điều hòa, phối hợp hoạt động của các ban chuyên trách của HĐND; tổ chức tiếp dân, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân.

Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989, vị trí, vai trò của HĐND không thay đổi, tuy nhiên luật quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; xác định rõ hơn hai chức năng của HĐND đó là quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Nhiệm kỳ của HĐND tất cả các cấp là 5 năm. Điểm mới của luật này là quy định thành lập thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và thư ký HĐND, là bộ phận hoạt động thường xuyên của HĐND để giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Đối với HĐND cấp xã, luật quy định thành lập ban thư ký.

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 quy định, thường trực HĐND chỉ có chủ tịch và phó chủ tịch mà không còn chức danh thư ký HĐND; bổ sung HĐND cấp xã có chủ tịch, phó chủ tịch. Trong Luật này quy định cụ thể số lượng và tên của các ban HĐND; theo đó HĐND cấp tỉnh thành lập 3 ban, HĐND cấp huyện thành lập 2 ban. Ngoài việc hướng dẫn giám sát hoạt động của HĐND cấp dưới, giám sát hoạt động của thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân (TAND), luật này bổ sung thêm việc giám sát hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp.

Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, vị trí, tính chất, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của HĐND cơ bản không thay đổi nhưng đã làm rõ hơn hai chức năng quyết định và giám sát. Luật quy định chủ tịch HĐND không giữ chức vụ đó quá hai nhiệm kỳ liên tục. Về thường trực HĐND, luật bổ sung thường trực HĐND cấp xã, cấp tỉnh, cấp huyện có chức danh ủy viên thường trực.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 kế thừa và phát triển Luật năm 2003 với những điểm mới, đó là: Đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn, số lượng đại biểu HĐND các cấp. Bổ sung các quy định để tăng cường vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực HĐND. Một đổi mới quan trọng nữa là Luật đã phân tích và quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định, đối với HĐND tỉnh: Trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 1 phó chủ tịch HĐND; trường hợp chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 2 phó chủ tịch HĐND.

Về tổ chức và hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Trị chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1946-1954, HĐND tỉnh Quảng Trị tổ chức được 2 khóa: khóa I, nhiệm kỳ 1946- 1950; khóa II, nhiệm kỳ 1951-1954.

Giai đoạn 1954-1975, HĐND khu vực Vĩnh Linh tổ chức được 6 khóa: khóa I, nhiệm kỳ 1959-1961; khóa II, nhiệm kỳ 1962-1964; khóa III, nhiệm kỳ 1965- 1968; khóa IV, nhiệm kỳ 1969-1971; khóa V, nhiệm kỳ 1971-1974; khóa VI, nhiệm kỳ 1974-1976.

Giai đoạn 1976-1989, HĐND tỉnh Bình Trị Thiên trải qua 3 khóa: khóa I, nhiệm kỳ 1977-1981; khóa II, nhiệm kỳ 1981-1985; khóa III, nhiệm kỳ 1985 - 1989.

Giai đoạn từ 1989 đến nay, HĐND tỉnh Quảng Trị trải qua 8 khóa hoạt động: khóa I: từ ngày 1/7/1989 đến tháng 11/1989; khóa II, nhiệm kỳ 1989-1994; khóa III, nhiệm kỳ 1994-1999; khóa IV, nhiệm kỳ 1999-2004; khóa V, nhiệm kỳ 2004-2009, kéo dài đến 2011; khóa VI, nhiệm kỳ 2011-2016; khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021; khóa VIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Qua nghiên cứu tổ chức HĐND cấp tỉnh qua các thời kỳ cho thấy: Tổ chức bộ máy HĐND các cấp ngày càng hoàn thiện. Từ chỗ chưa có Thường trực HĐND (UBHC hoặc UBND được coi như là bộ phận thường trực của HĐND) đến Luật năm 1983 thành lập ban thư ký, Luật năm 1989 thành lập thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Luật năm 2003 có thêm thường trực HĐND cấp xã.

Từ chỗ chưa có các ban HĐND đến Luật năm 1958 tại kỳ họp HĐND có thể thành lập các tiểu ban lâm thời; Luật năm 1962, HĐND có thể thành lập các ban, đến Luật năm 1983, việc thành lập các ban là bắt buộc; Luật năm 1994 quy định cụ thể số lượng và tên các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Luật năm 2015 bổ sung thêm việc thành lập Ban Đô thị ở thành phố trực thuộc trung ương. Tổ đại biểu được thành lập kể từ Luật năm 1983 đến nay.

Vị trí, tính chất của HĐND hiến định rõ ràng hơn. Từ chỗ Sắc lệnh 63 quy định HĐND là cơ quan do Nhân dân bầu, là cơ quan thay mặt Nhân dân, đến Luật năm 1958 đã xác định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do Nhân dân bầu ra.

Các luật năm 1983, 1989 và 1994 xác định rõ vị trí, tính chất của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 xác định rõ tính đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bởi chức năng quyết định các vấn đề quan trọng; giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương.

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp ngày càng được mở rộng và quy định cụ thể hơn. Từ quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung đến quy định cụ thể trong từng lĩnh vực; quy định cụ thể cho từng cấp HĐND, theo từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn và ở đô thị. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy, pháp luật đã từng bước quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Vị trí pháp lý, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu ngày càng được quy định đầy đủ, cụ thể; nhất là nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động giám sát, trách nhiệm trong việc giữ mối liên hệ với cử tri.

Văn phòng giúp việc HĐND cấp tỉnh: Trước năm 2007, văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh. Đến ngày 11/12/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh là cơ quan giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Tổ chức, bộ máy của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh ngày càng được củng cố, phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của cơ quan dân cử địa phương.


Bài: Lê Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay2,854
  • Tháng hiện tại200,499
  • Tổng lượt truy cập9,153,579
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây