Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, đặc biệt khó khăn.

Thứ hai - 19/08/2024 05:32 554 0
Sau hơn 07 năm thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, đặc biệt khó khăn và Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị quy định khoảng cách, địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, theo báo cáo giám sát số 46/BC-HĐND của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 85.209 lượt học sinh được hưởng chế độ với kinh phí hỗ trợ tiền ăn: 230.971 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở: 48.591 triệu đồng và 5.768.188kg gạo.
cshths tr1
 
Chính sách đã tạo điều kiện cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở yên tâm đến trường và học tập, từ đó, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học, học sinh lưu ban, chất lượng học tập ngày càng được nâng lên. Một số trường đã tổ chức cho các em bán trú ăn và học 09 buổi/tuần nên đã duy trì được tỉ lệ chuyên cần trên lớp. Thời gian học sinh ở bán trú được sống trong môi trường khép kín từ ăn, ngủ đến nghỉ ngơi, vui chơi, hoạt động đã góp phần giáo dục học sinh tăng cường tính tập thể, tính đoàn kết bạn bè, tình cảm thầy trò, giúp gia đình phụ huynh giảm bớt khó khăn. Cùng với đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nhân lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
cshths tr2
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách nói trên còn gặp khó khăn vướng mắc như: Định mức hỗ trợ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh chưa có quy định đối với nhân viên cấp dưỡng phục vụ nấu ăn cho học sinh ở lại trường vào ngày Thứ bảy và Chủ nhật; định mức quy định chưa phù hợp với thực tiễn đối với Trường có số học sinh bán trú ăn tập trung lớn hơn 150 người hoặc Trường có số học sinh ăn tập trung dưới 20 người theo quy định (Điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trường hợp trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm”. Theo đó, 05 lần định mức nêu trên tương ứng với 150 học sinh, nhưng hiện tại có trường số lượng học sinh bán trú vượt quá 250 em (Trường Tiểu học Linh Trường có hơn 260 học sinh bán trú). Trường phổ thông dân tộc bán trú có tính chất đặc thù (quản lý học sinh 24/24 giờ) nhưng chưa được bố trí nhân viên làm công tác bảo vệ. Một số trường có học sinh ở xa nên nhiều em ở lại bán trú cả tuần, có em ở lại cả tháng, do đó việc sử dụng kinh phí theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP là không đủ để hỗ trợ chi phí ăn, ở cho các em, trong khi phần lớn gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có tiền để hỗ trợ thêm cho con em mình. Bên cạnh đó, hiện nay số học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã tốt nghiệp THCS nhưng không có điều kiện theo học Trường Dân tộc Nội trú tỉnh và các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên còn nhiều, dẫn đến các em dễ bị sa ngã trước cám dỗ của xã hội, không có nghề nghiệp, sức khỏe yếu, tâm lý chưa ổn định...Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy vùng dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Để khắc phục khó khăn, vướng mắc đã được nêu trên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đối với vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới cần thiết phải đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND như sau:

Thứ nhất, đối với Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn, đặc biệt khó khăn cần bổ sung đối tượng thụ hưởng là học sinh học PTTH theo học tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn để học sinh vùng dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị theo hướng tăng tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn từ mức 200% lên 250% đối với trường từ 151-200 học sinh bán trú, 300% đối với trường trên 200 học sinh bán trú đã bao gồm hỗ trợ kinh phí đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với nhân viên cấp dưỡng.

Thứ ba, ban hành chính sách địa phương hỗ trợ kinh phí đối với lao động hợp đồng làm công tác bảo vệ trong các trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường phổ thông có học sinh ở bán trú nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh bán trú. Hỗ trợ thêm 1/2 tháng tiền ăn và gạo cho học sinh bán trú trong thời gian các em đến trường để làm thủ tục nhập học từ 15/8 hằng năm theo kế hoạch tựu trường của ngành giáo dục./.


Bài, ảnh: Mai Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay5,155
  • Tháng hiện tại185,497
  • Tổng lượt truy cập10,129,043
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây