Tăng cường công tác giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Thứ hai - 21/10/2024 23:19 149 0
Công tác giám sát của HĐND tỉnh nhằm phát hiện những hạn chế, thiếu sót, qua đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước được thực hiện đúng đắn, thống nhất và hiệu quả.
baivegiamsat1
Ban Kinh tế ngân sách - HĐND tỉnh giám sát tình hình trồng rừng thay thế ở Hướng Hóa
 
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 chưa có quy định về giám sát, đến Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1962 quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Ủy ban hành chính (UBHC) và các cơ quan chuyên môn thuộc UBHC. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983 quy định thành lập Ban chuyên trách và Ban thư ký giúp HĐND giám sát UBND cùng cấp và các cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương trong việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND.
 
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989 quy định Thường trực HĐND được thành lập ở HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương, huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh; Luật này quy định HĐND giám sát công tác của Thường trực HĐND, UBND; các ban của HĐND giúp HĐND giám sát UBND cùng cấp và các cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương trong việc thi hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND cấp mình.
 
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 quy định HĐND giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân; đại biểu HĐND có quyền chất vấn chủ tịch HĐND, chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp.
 
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định HĐND thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân. Thường trực HĐND giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương; các ban của HĐND giúp HĐND giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, hoạt động của TAND, Viện KSND cùng cấp, giúp HĐND giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp.
 
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND tỉnh giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND cùng cấp, các ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và văn bản của HĐND cấp huyện; Thường trực HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; các ban của HĐND giúp HĐND giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp trong các lĩnh vực phụ trách; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách; tổ đại biểu HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn.
 
Thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND tỉnh qua các nhiệm kỳ gần đây bao quát nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Hoạt động giám sát bảo đảm quy định, nội dung, trình tự, trong đó giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đai qua các nhiệm kỳ được thực hiện liên tục, không ngừng nghỉ. Ngày 16/8/2012, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khóa VI ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về giám sát quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở xem xét Báo cáo giám sát số 128/BC-HĐND ngày 9/8/2012 của Thường trực HĐND.
 
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HĐND thu hồi 33.757 ha đất lâm nghiệp, gồm diện tích đất xen giữa các ban quản lý rừng phòng hộ, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung bộ, Trại giam Nghĩa An, Công ty MDF Geruco Quảng Trị, Công ty Đầu tư phát triển Lũng Lô...; thu hồi 34.631.300 m2 đất đô thị, đất khu công nghiệp, đất khu kinh tế, khu du lịch, trong đó thu hồi toàn bộ 44 khu đất với diện tích 17.344.600 m2 , thu hồi một phần diện tích của 26 khu đất với diện tích 17.170.600 m2 , khắc phục sai phạm 22 khu đất với diện tích 116.100 m2 (Báo cáo số 314/BC-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh).
 
Ngày 20/11/2017, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa VII ban hành Nghị quyết 29/2017/NQ-HĐND về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn trên cơ sở xem xét Báo cáo giám sát số 314/BCHĐND ngày 20/11/2017 của Thường trực HĐND tỉnh.
 
Theo nghị quyết, các công ty TNHH MTV lâm nghiệp dành khoảng 15%-20% quỹ đất có khả năng canh tác nhằm cân đối giải quyết những nhu cầu sản xuất thiết yếu của người dân ở vùng phụ cận, qua đó khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất trong dân. Kết quả thực hiện, thu hồi của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải 582 ha giao địa phương quản lý. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải đã bàn giao địa phương 856,94 ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 đã bàn giao địa phương 1.325,1 ha, chiếm 44,13%.
 
Hiện nay, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đang thiếu đất ở, đất sản xuất, theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh thiếu đất ở 1.600 hộ, chưa có đất ở 1.922 hộ, thiếu đất sản xuất 303 hộ; chưa có đất sản xuất 68 hộ chưa có quỹ đất để bố trí.
 
Để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất các địa phương, đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ giao, nhận đất trên thực địa theo các nghị quyết giám sát của HĐND tỉnh. Đồng thời, sớm triển khai thực hiện các chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS theo Điều 16 Luật Đất đai năm 2024, trong đó chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tại vùng DTTS và miền núi phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống.


Bài, ảnh: Lê Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay6,401
  • Tháng hiện tại174,038
  • Tổng lượt truy cập10,376,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây