Quảng Trị cần phải có các giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để sớm đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ tư - 30/10/2024 03:25 207 0
Nghị quyết về Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030” đã được HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua ngày 14/12/2017 được xem là nghị quyết có tính bao trùm, toàn diện; là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Trị huy động và tranh thủ các nguồn lực, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND được ban hành đã xác định rõ mục tiêu và các định hướng lớn đó là: Phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiếm tỷ trọng 7-8% GRDP của tỉnh; đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 10% GRDP của tỉnh và góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Các định hướng lớn trong phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030 được xác định trong nghị quyết gồm: Định hướng về thị trường khách du lịch; định hướng về phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu và định hướng phát triển không gian du lịch. Để thực hiện được các mục tiêu và định hướng lớn đó, Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh đề ra 07 nhóm giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, đồng thời xác định tổng nhu cầu đầu tư cho phát triển du lịch đến năm 2030 là 19.316 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách, vốn ODA và nguồn xã hội hóa), trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm 15% trong tổng nhu cầu vốn đầu tư.
 
dulichqtri1
Đ/c Nguyễn Chiến Thắng, UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại hệ thống Giếng cổ Gio An - huyện Gio Linh
 
Sau gần 07 năm triển khai thực hện nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của ngành kinh tế Du lịch, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động du lịch phát triển. Báo cáo số 255 ngày 23/10/2024 của Sở VHTT&DL về kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nhấn mạnh:

Công tác thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch đã có nhiều đổi mới, đa dạng về phương thức và nội dung thực hiện. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam theo Quyết định số 2522/QĐ-BVHTTDL ngày 13/7/2016 của Bộ VHTTDL và Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 01/8/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến 2030”. Tổ chức quảng bá du lịch thông qua các Hội chợ, Hội nghị, triển lãm; các pano, tờ rơi, tập gấp, trên Trang Thông tin điện tử của các Sở ngành, huyện, thị xã, thành phố và trên Trang Thông tin điện tử Du lịch Quảng Trị. Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị truyền thông sản xuất các chương trình truyền thông quảng bá ẩm thực, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo sự lan tỏa, đưa hình ảnh du lịch Quảng Trị đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước; xây dựng Cổng Thông tin du lịch Quảng Trị nhằm tiến tới xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh.

 
Công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai. Đến nay, các khu du lịch tiềm năng đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch, đồng thời tỉnh đang chỉ đạo xây dựng đồ án Quy hoạch chung khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị đến năm 2045, rà soát, tích hợp vào quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong các quy hoạch.

Kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện, nhiều dự án hạ tầng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: mạng lưới giao thông đường bộ; hạ tầng các khu vực tiềm năng khu vực ven biển, đảo Cồn Cỏ; các di tích lịch sử cách mạng quan trọng; các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Công tác thu hút đầu tư du lịch được quan tâm, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư, trong đó có một số nhà đầu tư chiến lược như: Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Oxalis, Công ty cổ phần Tập đoàn AE, Công ty cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care, Công ty cổ phần Châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần SCI (SIC Group)... với vốn đăng ký đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Đây là tín hiệu rất phấn khởi, hứa hẹn tạo thêm nhiều động lực phát triển mới cho du lịch Quảng Trị.

Quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, trong đó tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Trị: “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang Kinh tế Đông - Tây”, kết nối, liên kết du lịch "Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”. Nhiều khu, điểm du lịch quan trọng được hình thành; nhiều sản phẩm du lịch mới được quan tâm phát triển nhằm tăng tính hấp dẫn thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, một số lễ hội truyền thống được quan tâm bảo tồn, khôi phục, thu hút du khách như: Lễ hội chợ đình Bích La, Lễ hội ARiêuPing (bốc mã), Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội cồng chiêng, Lễ hội Thống nhất non sông, Tri ân Tháng 7... Đặc biệt năm 2024 tổ chức thành công Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hoà bình” gồm chuỗi các hoạt động nổi bật: Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình; Ngày hội Đạp xe vì Hoà bình; Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình”; Lễ hội Văn hóa - ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”, Chương trình “Ước nguyện hoà bình”.

Công tác bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm thực hiện. Hàng năm tỉnh tổ chức mở các lớp tập huấn về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa du lịch; tập huấn nghiệp vụ buồng, bàn - bar, lễ tân cho các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ, thủy nội địa..vv.

Việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh trong nước, nhất là khu vực duyên hải miền Trung luôn được coi trọng. Tích cực tổ chức khảo sát, xúc tiến, quảng bá du lịch qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, Lao Bảo và tuyến du lịch phía Tây đường Hồ Chí Minh ra Quảng Bình. Đồng thời, tỉnh đã tham gia làm thành viên của khối Liên kết 5 tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) với chủ điểm “Du lịch miền Trung - Miền di sản diệu kỳ”. Tham gia diễn đàn Liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh- Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung bộ mở rộng; ký kết hợp tác với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thời gian qua còn những hạn chế, khó khăn đã được chỉ ra trong báo cáo số 255 của Sở VHTT&DL đó là:

(1). Quảng Trị gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh với những trung tâm phát triển du lịch lớn ở khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực lưu trú. Khoảng cách địa lý tương đối gần các trung tâm du lịch Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng nhưng do điểm xuất phát thấp, thị trường du lịch hẹp, tiềm năng du lịch đa dạng nhưng tính nổi bật, khác biệt không cao, chưa có điều kiện để đầu tư hình thành các khu du lịch có thương hiệu, tạo điểm nhấn nên lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú của Quảng Trị còn thấp.

(2). Hoạt động du lịch tuy thu hút được sự tham gia ngày càng nhiều các doanh nghiệp từ các thành phần kinh tế nhưng hầu hết quy mô còn nhỏ, phương thức kinh doanh chậm được đổi mới, chất lượng các dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, hiệu quả kinh doanh còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu chuyên nghiệp. Hoạt động kinh doanh lữ hành chưa chuyên nghiệp, các doanh nghiệp còn hạn chế về quy mô, vốn, năng lực cạnh tranh, phần lớn tập trung khai thác đoàn ra để vào thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia, chưa quan tâm đúng mức thị trường lữ hành nội địa. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh diễn ra trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó khăn do tác động của sự cố ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch Quảng Trị. Do đó, mục tiêu đưa du lịch Quảng Trị trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 khó trở thành hiện thực.

(3). Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh còn ít (cấp tỉnh có 01 Phòng QLDL với 05 CBCC; ở cấp huyện, hầu như chưa có cán bộ chuyên trách về du lịch, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm). Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thuộc Sở VHTT&DL đã giải thể và thành lập Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thuộc Văn phòng UBND tỉnh; chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến bài bản, quy mô và dài hạn.


(4). Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều dự án đã đăng ký đầu tư nhưng không triển khai hoặc đầu tư dang dở, hiệu quả không cao như: Dự án Khu đô thị - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và dịch vụ phụ trợ Khu kinh tế Đông Nam; Dự án Khu dịch vụ du lịch Gio Hải huyện Gio Linh (của Công ty T&T); Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Eden Charm tại xã Vĩnh Thái (của Công ty cổ phần DOBF); dự án khu du lịch sinh thái biển AE - Cửa Tùng (của Công ty Cổ phần AE); dự án Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh (của Công ty Sông Hiền)... ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng phát triển du lịch của tỉnh nhà. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh khá lớn, song việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích vào mục đích du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu nguồn lực, thiếu đồng bộ và triển khai chậm tiến độ như khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, song việc phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đất đai, và còn mang tính tự phát, thiếu tính kết nối, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt.

 
dulichqtri2
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh khảo sát tại điểm du lịch suối A Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông
 
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khó khăn nêu trên, thời gian tới tỉnh Quảng Trị cần có những giải pháp đồng bộ, đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh. 

Thứ nhất: Tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch, tăng cường đầu tư nguồn lực từ ngân sách cho lĩnh vực du lịch và ưu tiên bố trí nhân lực tương xứng để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Khu du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ được Chính phủ đưa vào danh sách Quy hoạch các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024). Vì vậy, tỉnh phải dành ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch này trở thành Khu du lịch quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thứ hai: Tiếp tục làm tốt công tác kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch di tích, giải phóng mặt bằng, tạo qũy đất sạch để thu hút các dự án đầu tư. Quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực hoàn thành công tác quy hoạch các di tích, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và Hệ thống khai thác nước cổ Gio An (huyện Gio Linh), các khu du lịch tiềm năng đã được xác định để thuận lợi cho việc huy động xã hội hóa cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đến liên kết đầu tư khai thác theo hình thức đối tác công tư.

Thứ ba: Để tháo gỡ vướng mắc cho du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, căn cứ Luật Đất đai năm 2024 và hướng dẫn của các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các sở, ngành liên quan kịp thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện việc khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; kết hợp thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình đầu tư phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ và chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, để ngành du lịch phát triển một cách bền vững trong tương lai.
Bài, ảnh: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay6,435
  • Tháng hiện tại174,072
  • Tổng lượt truy cập10,376,718
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây