Vận động, sử dụng hiệu quả vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Thứ năm - 22/09/2022 03:05 1.560 0
Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021, tỉnh Quảng Trị vận động 09 chương trình, dự án mới sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài bao gồm: Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Áo); Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG); Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP); Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR); Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng; Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị; Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện 04 tỉnh miền Trung trong đó có tỉnh Quảng Trị; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM). Tổng vốn ký kết là 3.540 tỉ đồng, trong đó vốn vay lại 466 tỉ đồng, tỉ lệ vốn vay lại chiếm 13,1%; quy mô vốn bình quân tương đương 393 tỉ đồng/dự án.
 
image001 2
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị là nơi tiếp nhận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư - Ảnh: Báo Quảng Trị
 
Tính cả dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và các dự án mới thì trong giai đoạn này, có 38 chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn triển khai thực hiện. Theo cơ chế tài chính, có 28 chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại hoặc được ngân sách trung ương cấp phát (đã hoàn thành 24 chương trình dự án; còn 04 chương trình dự án đang tiếp tục); 01 dự án do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vay lại (đã hoàn thành) và 9 chương trình, dự án tỉnh vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (đang triển khai thực hiện). Về tổng mức đầu tư và cơ cấu vốn của 38 chương trình, dự án triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 theo quyết định đầu tư được phê duyệt là 10.524 tỉ đồng.
 
Trong đó vốn ngân sách địa phương đối ứng 757 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương đối ứng 1.264 tỉ đồng, vốn nước ngoài 8.502 tỉ đồng (ngân sách trung ương cấp phát 7.725 tỉ đồng, địa phương vay lại 778 tỉ đồng). Các đối tác tỉnh vận động, được chấp thuận và tỉ trọng trên tổng vốn ODA gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chiếm 50,7%; WB chiếm 31,6%; Chính phủ Nhật Bản (thông qua JICA) chiếm 3,6%; Hàn Quốc chiếm 2,9%; Áo chiếm 4,2%; Na Uy chiếm 2,3%; Quỹ OPEC cho phát triển quốc tế chiếm 2,2%; Italia chiếm 1,6%.
 
Vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài phân bổ sử dụng theo lĩnh vực: Giao thông, hạ tầng đô thị chiếm 49%; nông nghiệp, phát triển nông thôn chiếm 32,6%; y tế chiếm 6,9%; lĩnh vực điện nông thôn, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý đất đai, bảo tồn đa dạng sinh học chiếm 5,3%; cấp nước, thoát nước chiếm 2,9%; du lịch chiếm 2,9%; giáo dục chiếm 0,4%.
 
Về hiệu quả, vốn ODA đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị thông qua các dự án đầu tư có quy mô lớn như Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông (2.254 tỉ đồng), Dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Đông Hà (367 tỉ đồng), Dự án xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thị xã Quảng Trị (181 tỉ đồng).
 
Lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo có Dự án thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh thuộc chương trình Hạnh phúc, Dự án hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi, kè đập góp phần điều hòa nguồn nước, phục vụ tưới tiêu, phòng chống hạn hán, lũ lụt, cung cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, vùng nông thôn, Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ.
 
Lĩnh vực giao thông vận tải có những công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy giao thương, đi lại của người dân như: Đường giao thông Thạch Kim - Hiền Hòa (huyện Vĩnh Linh), đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1A, Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu huyện Triệu Phong, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP).
 
Lĩnh vực tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có Dự án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (BCC), Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2), Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR); trong lĩnh vực y tế, giáo dục các dự án chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị như: Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở (WB), Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (WB), Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (Áo), Dự án tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo dạy nghề cho Trường Trung cấp nghề Quảng Trị (cũ) (do KOICA tài trợ); Chương trình phát triển giáo dục trung học phổ thông (do ADB tài trợ), Dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất...
 
Các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 đã được vận động, tiếp nhận phù hợp với các quy định của Chính phủ; phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2010 - 2020) và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2021) của tỉnh; phù hợp với lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo định hướng của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với mục tiêu của các nhà tài trợ.
 
Vốn ODA bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo và tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương hưởng lợi. Về phía chính quyền địa phương đã cơ bản thực hiện đúng cam kết với các nhà tài trợ, bố trí đủ vốn đối ứng, tổ chức giải phóng mặt bằng, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án đã đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng vốn ODA của Chính phủ Italia tài trợ cho Dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế, trong đó có các công trình Trạm Y tế xã Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng; Dự án hệ thống cấp nước xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng và Dự án hệ thống cấp nước xã Vĩnh Long - Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh đang chậm tiến độ, do gặp một số vướng mắc từ phía đối tác, các cơ quan chức năng đang tiếp tục tháo gỡ.
 
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi huy động có xu hướng giảm dần, hoặc chấm dứt các khoản ODA viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ODA với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn, tỉ lệ vốn vay lại cao hơn. Vì vậy, cần cơ cấu lại nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện các công trình, dự án, trong đó có nguồn ODA do Chính phủ Italia tài trợ nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân vùng dự án, góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí về sử dụng nước sạch, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới theo lộ trình; cơ cấu lại nguồn vốn, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương cho phù hợp với các nguồn vốn đầu tư phát triển../

 
Bài, ảnh: Lê Thiện
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay5,415
  • Tháng hiện tại185,757
  • Tổng lượt truy cập10,129,303
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây