Kỳ vọng về sự phục phục hồi và phát triển của ngành y tế tỉnh nhà trong thời gian tới

Thứ bảy - 31/12/2022 04:57 819 0
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng trị khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030.
Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới để ngành y tế tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thách thức nội tại, nhất là những khó khăn sau gần 2 năm căng mình đối phó với bệnh Covid-19 để bứt phá đi lên. Đồng thời đây là việc tiếp tục cụ thể hóa nội dung Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
 
anh 2 6

Đối với tỉnh ta, thời gian qua, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, ngành y tế đã phát huy vai trò hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, trong đó có công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Hoạt động của ngành y tế đã cụ thể hóa được các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng cũng như thực thi các chính sách, pháp luật về y tế. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chăm lo đến hoạt động của ngành, ban hành các cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực để phát triển ngành y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thình hình mớiCông tác dân số đã có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình của nhà nước và chính sách của địa phương nhằm chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa sang dân số và phát triển. Tuy vậy, mặc dù đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, nhưng nhìn chung sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số vẫn còn những bất cập. Hệ thống y tế bộc lộ những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để từ nhiều năm trước đó như thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất xuống cấp, máy móc thiết bị thiếu, lạc hậu. Đặc biệt sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn “hậu Covid”, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua. Công tác dân số cần phải có các giải pháp thích ứng với bối cảnh phát triển mới như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề việc làm, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy, di dân và chất lượng cuộc sống..vv.
 
so y te

Các cơ sở điều trị tuyến tỉnh mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nâng cao năng lực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trong tình hình hiện nay. Tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện ở một số địa phương chưa phát huy được năng lực và hiệu quả, phần lớn cơ sở vật chất, trang thiết bị không được đầu tư đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng, nhân lực phân tán, thiếu và yếu. Nguồn nhân lực y tế hiện nay chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng đặc biệt nguồn chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở, chưa thu hút được bác sỹ về công tác tại tuyến huyện và tuyến xã. Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn được kiện toàn, sắp xếp lại nhưng chất lượng và cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm. Nhân lực y tế thôn, bản, khu phố còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y tế còn hạn chế..
 
kh 14 h


Những vấn đề nêu trên là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030. Theo đó nghị quyết xác định mục tiêu cơ bản đó là:
Nâng cao sức khỏe người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọchất lượng cuộc sống. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật do bệnh, dịch bệnh. Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Quan tâm việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên phát triển một số trung tâm chuyên sâu chất lượng cao, bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, tiến tới đạt và duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.
Đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống y tế của tỉnh, bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, thống nhất trong toàn hệ thống y tế. Phát triển hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, giữa tuyến tỉnh và cơ sở, chú trọng phát triển chuyên sâu, phát triển y tế phổ cập có chất lượng. Kết hợp giữa phát triển y học hiện đại và y học cổ truyền, giữa dự phòng với điều trị, giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập, hài hòa giữa các vùng miền, chú trọng phát triển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Để nhằm hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết của HĐND tỉnh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trong tâm trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030 đó là:
Thứ nhất: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế;
Nâng cao năng lực quản lý điều hành, hoạch định chính sách y tế, lập kế hoạch, giám sát toàn bộ hệ thống y tế trong tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hệ thống thông tin y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đến 2025 hoàn thiện hệ thống khám chữa bệnh từ xa, Telemedicine, đặc biệt đến tuyến cơ sở; có ít nhất 03 đơn vị điều trị sử dụng bệnh án điện tử, 100% cơ sở y tế số hóa các văn bản lưu trữ; hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống thông tin y tế cá nhân đến mọi người dân.
Tăng cường thực hiện liên doanh, liên kết để đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao, tích cực triển khai áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị theo quy định hiện hành. Nâng cao năng lực của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, duy trì, đạt chuẩn GLP và ISO/IEC 17025: 2017. Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc, từng bước hình thành vùng nguyên liệu, thuốc từ dược liệu phục vụ công nghiệp dược. Phối hợp các ngành chức năng khảo sát tài nguyên cây có giá trị làm thuốc, bảo tồn nguồn cây dược liệu quí như Dây thìa canh, An xoa, Cà gai leo…Tiếp tục phát triển hệ thống cung ứng thuốc đến tận cơ sở, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cung ứng kịp thời, đủ thuốc có chất lượng, giá cả phù hợp và ổn định thị trường thuốc phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức đơn vị sự nghiệp y tế công lập và chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chúc, viên chức nữ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026. Tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật từ tuyến tỉnh cho tuyến cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành cho bác sỹ, điều dưỡng ở tuyến huyện, tuyến xã tại Bệnh viện đa khoa tỉnh theo từng chuyên khoa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Xây dựng kế hoạch đào tạo liên thông từ Y sĩ lên Bác sĩ để đảm bảo nguồn lực Bác sỹ cho tỉnh.
Thứ hai: Đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đối với hệ thống y tế dự phòng;
Trong giai đoạn 2022-2025, đối với tuyến tỉnh, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh và dự báo dịch bệnh. Tuyến huyện: 30% TTYT huyện được đầu tư xây mới cơ sở hạ tầng hệ dự phòng; 100% hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện được đầu tư trang thiết yếu. Tuyến xã: 40% trạm Y tế xã, phường, thị trấn được nâng cấp và xây mới; 80% Trạm Y tế được duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa; 100% các trạm Y tế được đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác chuyên môn.
Trong giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục khảo sát nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các đơn vị thực hiện công tác y tế dự phòng nhằm đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn đáp ứng đủ năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời các dịch bệnh.
Thứ ba: Đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đối với hệ thống khám, chữa bệnh;
Trong giai đoạn 2022-2025 có 100% các đơn vị khám chữa bệnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng 70% nhu cầu thực tế, trong đó đầu tư cho TTYT huyện Vĩnh Linh để tách thành BVĐK khu vực tuyến tỉnh. 100% Trung tâm Y tế huyện xây dựng, hoàn thiện khoa Hồi sức cấp cứu; củng cố các đội vận chuyển, cấp cứu lưu động ngoại viện. Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền tại thành phố Đông Hà, quy mô từ 100-200 giường; 01 Bệnh viện đa khoa tư nhân chất lượng cao ≥ 500 giường bệnh trở lên và 01 bệnh viện hạng III ≥ 50 giường bệnh.
Trong giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị BVĐK khu vực Vĩnh Linh thành BVĐK hạng 1 tuyến tỉnh. 100% đơn vị khám chữa bệnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng 90% nhu cầu thực tế.
Thứ tư: Phát triển nguồn nhân lực
Trong giai đoạn 2022-2026, tập trung thu hút 100 bác sĩ đa khoa hệ chính quy về công tác tại tuyến huyện. Đào tạo chuyên sâu, đào tạo sau đại học chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, thạc sĩ y học, tiến sĩ y học, phấn đấu đào tạo 130 người có trình độ sau đại học để đạt tỷ lệ 12% viên chức có trình độ sau đại học/tổng số viên chức.
Thực hiện rà soát, phân loại và sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, nhân lực, trang thiết bị y tế của từng trạm y tế xã phù hợp thực tế từng vùng, từng địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn 2026-2030.
Thứ năm: Giải pháp thực hiện về công tác dân số phát triển
Duy trì và giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống cộng tác viên dân số thôn, khu phố, cụm dân cư. Xây dựng và triển khai mô hình Cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em.Triển khai đồng bộ Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các chương trình, đề án về quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số.
Thứ sáu: Huy động các nguồn lực để thực hiện nghị quyết
Có giải pháp tốt để huy động khoảng 936.630 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 của Trung ương và địa phương, nguồn vốn ODA, nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn kinh phí thường xuyên ngân sách tỉnh, nguồn đối ứng của địa phương, nguồn vận động thu hút và các nguồn  hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả nghị quyết.

 
be mac ky 14 b copy

Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể đã được xác định trong nghị quyết, tin tưởng rằng, nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở y tế công lập đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến 2030 được thông qua lần này là tiền đề quan trọng và cần thiết để nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, sức khỏe, tuổi thọ của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, phấn đấu đưa Quảng trị thành tỉnh có thu nhập cao theo mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
   Bài, ảnh: BBT
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay4,318
  • Tháng hiện tại178,571
  • Tổng lượt truy cập10,381,217
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây