Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chất vấn, giải trình từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 21/12/2022 21:13 1.553 0
Theo quy định của pháp luật thì hoạt động chất vấn của HĐND là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu. Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể chất vấn.
Trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã quan tâm, chú trọng và dành nhiều thời gian cho việc chất vấn và giải trình tại các kỳ họp của HĐND tỉnh, tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Hoạt động chất vấn, giải trình đã được chuẩn bị khá chu đáo, kỷ lưỡng, có nội dung cụ thể, sát với thực tiễn của địa phương, từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh và công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
hình ảnh 20221222091438 1

Đối với hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh:   
Để tổ chức tốt hoạt động chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu; tăng thời lượng chất vấn tại hội trường; các vấn đề chất vấn được chọn lọc qua nhiều kênh thông tin về những vấn đề bức xúc, cấp thiết trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và Nhân dân quan tâm; các kỳ họp được truyền hình trực tiếp để cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát.


Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ động tổ chức làm việc với chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi đại biểu ứng cử; họp Tổ đại biểu, thảo luận, tổng hợp ý kiến tham gia vào các nội dụng trình kỳ họp thay cho việc phân tổ thảo luận tại kỳ họp như trước đây, theo đó tại kỳ họp sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động chất vấn, giải trình.

 
image 20221222091543 2

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra tích cực và ngày càng có chất lượng hơn, không khí kỳ họp sôi nỗi, các vấn đề đưa ra thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, minh bạch, kịp thời thiết thực. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được Chủ tọa lựa chọn để điều hành trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy quyền chất vấn đối với Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trong thực thi nhiệm vụ. Chất vấn của đại biểu và ý kiến, phản ánh của cử tri gửi đến kỳ họp được Chủ tọa yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải trình, tiếp thu, đề ra biện pháp, thời gian khắc phục. Chủ tọa kết luận, đánh giá những ưu điểm, tồn tại hạn chế của UBND tỉnh và các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý nhà nước địa phương. Việc trả lời chất vấn được giao Thư ký kỳ họp và Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh tổng hợp, hoàn thiện nội dung kết luận kỳ họp, làm cơ sở để Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung cam kết sau chất vấn.

Nhìn chung, việc trả lời chất vấn, giải trình của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan trong thời gian qua khá đầy đủ, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu, có tiếp thu và đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục hạn chế; chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh có trọng tâm, nắm rõ các vấn đề cần chất vấn tại kỳ họp. Lãnh đạo UBND tỉnh đã nghiêm túc, cầu thị tiếp thu, đồng thời giải trình thêm những vấn đề đại biểu còn quan tâm và biểu thị quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


 
image 20221222091718 3

Đối với hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh:
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 26 phiên họp. Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến, phản ánh của cử tri nếu phát hiện những vấn đề cần chất vấn thì Thường trực HĐND tỉnh đưa vào chương trình phiên họp hoặc tổ chức hội nghị, phiên họp chuyên đề chất vấn, giải trình theo thẩm quyền của HĐND tỉnh được pháp luật quy định. Sau chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản kết luận, kiến nghị gửi đến UBND tỉnh, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để thực hiện; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời. Giao các Ban, Tổ đại biểu Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kết luận, kiến nghị sau chất vấn và báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND tỉnh vẫn còn hạn chế:
Một số báo cáo của các cơ quan liên quan về tình hình thực hiện nội dung chất vấn chuẩn bị chưa chu đáo, còn nêu chung chung, kết quả thực hiện không cụ thể; chưa có giải pháp khả thi, thời gian, lộ trình cụ thể để khắc phục hạn chế sau chất vấn.
Số lượng ý kiến chất vấn vẫn còn ít; có trường hợp đại biểu HĐND tỉnh nêu vấn đề chất vấn còn chung chung hoặc nặng về đặt câu hỏi để thu thập thông tin. Trình bày vấn đề chất vấn và giải trình còn dài thời gian không đúng quy định của Quy chế hoạt động HĐND tỉnh; điều hành chất vấn có trọng tâm nhưng người bị chất vấn giải trình chưa chưa rõ vấn đề yêu cầu của chủ toạ. Chất vấn trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, dân tộc và pháp chế còn ít, chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế, ngân sách.
Một số vấn đề chất vấn chưa được các cơ quan, người bị chất vấn liên quan trả lời cụ thể, chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp, lộ trình thực hiện nên chưa nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri.
Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND tỉnh:
Thứ nhất: Th­ường trực HĐND tỉnh cần chủ động chuẩn bị nội dung chất vấn. Trước phiên họp chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, Th­ường trực HĐND tỉnh cần lựa chọn nội dung chất vấn cụ thể, xác định người bị chất vấn và quyết định nhóm vấn đề chất vấn; cần lựa chọn những vấn đề bức xúc, có tính thời sự, nhất là những vấn đề “nóng” có liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách, an sinh xã hội, môi trường…ảnh hưởng đến quyềnlợi ích của người dân; giao các cơ quan chuẩn bị nội dung trình chiếu bằng phóng sự ngắn, các hình ảnh, video, vật chứng để minh họa cho nội dung chất vấn được nêu tại kỳ họp. Chất vấn được tổng hợp từ nhiều kênh thông tin, rà soát chắt lọc trong quá trình giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu HĐND tỉnh, từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và thu thập thông tin qua phương tiện đại chúng.   
Thứ hai: Nâng cao nhận thức, năng lực của đại biểu HĐND tỉnh. Đại biểu HĐND tỉnh cần làm tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong hoạt động chất vấn; chủ động đề xuất và gửi ý kiến chất vấn đến Thường trực HĐND tỉnh và đưa ra những câu hỏi chất vấn cụ thể, rõ ràng để Thường trực HĐND tỉnh xem xét lựa chọn, điều hành tốt việc giải trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Chất vấn của đại biểu cần gắn với tranh luận tại nghị trường nhằm làm sáng tỏ vấn đề, chỉ ra được những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân, đề ra được giải pháp khắc phục có tính khả thi. Đối với những nội dung chất vấn được trả lời bằng văn bản, sau khi nhận văn bản trả lời, đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, nếu không đồng ý nội dung đã trả lời chất vấn thì đề nghị Chủ tọa điều hành thảo luận tại kỳ họp hoặc kiến nghị HĐND tỉnh xem xét trách nhiệm người bị chất vấn.
Thứ ba: Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh cần phải linh hoạt, sáng tạo. Việc điều hành chất vấn, giải trình không chỉ đảm bảo chặt chẽ theo chương trình kỳ họp mà còn phải linh hoạt, sáng tạo, có tính chủ động và đề cao vai trò của Chủ tọa trong điều hành chất vấn nhằm đạt được mục đích, yêu cầu. Chủ tọa cần gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn; phát huy dân chủ, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn để các đại biểu tích cực tham gia phát biểu ý kiến. Trong quá trình chất vấn, Chủ tọa có thể đề nghị đại biểu đưa ra các thông tin, số liệu cụ thể minh chứng cho lập luận của mình; yêu cầu người trả lời có thái độ cầu thị, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể; giải trình phải đưa ra được các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện để đại biểu, cử tri giám sát. Trong trường hợp một số nội dung chất vấn chưa rõ và khó đạt được sự đồng thuận tại kỳ họp thì giao Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình làmtại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh và báo cáo kết quả với HĐND tại kỳ họp gần nhất.  
Thứ tư: Tăng cường hoạt động xem xét chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Khoản 2 và 4 Điều 66 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã ghi nhận chất vấn, giải trình cũng là một trong những hình thức giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND được tổ chức tại phiên họp Thường trực HĐND. Tuy nhiên, hoạt động này trên thực tế chưa được thực hiện thường xuyên và bài bản. Theo quy định về chất vấn giữa hai kỳ họp phải căn cứ vào phiếu chất vấn của đại biểu HĐND, ý kiến, phản ánh của cử tri về những vấn đề bức xúc ở địa phương. Do đó, để hoạt động xem xét chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh đạt hiệu quả cao thì nội dung chất vấn cần mở rộng, cụ thể là: Những nội dung chất vấn đã kết luận tại các kỳ họp HĐND tỉnh trước đó; nội dung đã kết luận, kiến nghị trong các báo cáo giám sát, khảo sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh nhưng chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phải có kế hoạch tổ chức giám sát việc thực hiện “lời hứa” sau chất vấn của các ngành, các cấp chính quyền, định kỳ tổ chức chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh đối với những vấn đề bức xúc và cấp thiết ở địa phương. Cần tổ chức ít nhất 01 phiên chất vấn, giải trình trong thời gian giữa hai kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh; sau chất vấn, có văn bản kết luận, kiến nghị để các cơ quan liên quan tiếp thu, thực hiện, đồng thời tiếp tục giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau chất vấn.
Thứ năm: Chất vấn, giải trình và thực hiện kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người bị chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh. HĐND tỉnh căn cứ các quy định của pháp luật để xem xét, quyết định trách nhiệm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với người bị chất vấn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết chất vấn. Từ đó, HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của người bị chất vấn; đồng thời giao Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục tổ chức giám sát, xem xét chất vấn, giải trình giữa hai kỳ họp và báo cáo kết quả với HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Thsáu:  Cần nghiên cứu xây dựng ban hành Quy chế hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND tỉnh. Xem hoạt động chất vấn, giải trình là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh trong thời gian tới./.
Bài, Ảnh: Lê Viết Long
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay5,428
  • Tháng hiện tại179,681
  • Tổng lượt truy cập10,382,327
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây