Một số nội dung cần nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh

Thứ năm - 09/02/2023 06:53 1.071 0
Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị  - xã hội ở thôn, tổ dân phố; quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Một số nội dung cần nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại xã A Ngo, huyện Đakrông
 
Cán bộ cơ sở nói chung và những người hoạt động không chuyên trách nói riêng có vai trò rất quan trọng làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những người hoạt động không chuyên trách là những người được bầu, tuyển dụng để làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể không phải là cán bộ, công chức cấp xã; họ không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chỉ hưởng khoản phụ cấp nhất định và một số chế độ bảo hiểm y tế, đào tạo bồi dưỡng theo quy định. Thực hiện Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, khu phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến nay, Quảng Trị hiện còn 799 thôn, tổ dân phố, giảm 283 thôn, tổ dân phố so với trước khi sắp xếp, sáp nhập, với 1.254 người hoạt động chuyên trách cấp xã và 2.239 người hoạt động chuyên trách ở cấp thôn. Về trình độ chuyên môn của người hoạt động không chuyên trách cấp xã có 197 người có trình độ sơ cấp chiếm tỉ lệ 15,7%; 218 người có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 17,4%; 66 người có trình độ cao đẳng chiếm tỉ lệ 5,3%; 773 người có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỉ lệ 61,6%; Về người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có 1.250 người có trình độ chuyên môn sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ 56%;  447 người có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 20%; 101 người có trình độ cao đẳng chiếm tỉ lệ 4,4% và 441 người có trình độ đại học chiếm tỉ lệ 19,6%.

 
image003
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh
 
Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn được các địa phương thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn, bất cập. Mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, theo đó mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách cấp xã từ 1,15 đến 1,26 mức lương cơ sở; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận) từ 0,9 đến 1,2  mức lương cơ sở. Đối với người hoạt động không chuyên trách khác của thôn, tổ dân phố (ngoài 3 chức danh được hưởng phụ cấp) được chi trả bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Trong thời gian qua nhiều địa phương phản ánh cho rằng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội còn thấp, nhất là các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đều có ý kiến kiến nghị của cử tri về vấn đề này.
 
Bên cạnh đó, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách quy định 02 mức theo quy mô số hộ gia đình (thôn dưới 350 hộ và thôn trên 350 hộ), do đó một số thôn sau khi sắp xếp, sáp nhập (từ 2 đến 3 thôn cũ nhập lại) nhưng số hộ gia đình chưa đạt 350 hộ thì phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách vẫn như khi chưa sáp nhập, trong khi địa bàn quản lý rộng hơn, khối lượng công việc nhiều hơn và sau khi sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn hầu hết không đủ quy mô để tổ chức sinh hoạt toàn thôn tập trung ở một nơi nên khó khăn trong hoạt động của thôn, tổ dân phố...
 
Trong thời gian qua, Quảng Trị đã xây dựng được đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, góp phần giúp cho các hoạt động quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở có hiệu lực và hiệu quả hơn. Sau quá trình thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, chế độ chính sách, mức phụ cấp, hỗ trợ đối với các chức danh không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố đã được điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình thực tế của tỉnh, thu hút được nhiều người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, họ đã trải qua rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực sự là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh giữ gìn đạo lý, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nược; đồng thời những người hoạt động không chuyên trách cũng là đội ngũ để các địa phương xây dựng và quy hoạch nguồn cán bộ kế cận trong tương lai.

 
image005
Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại phường 1, thị xã Quảng Trị
 
Sự cống hiến của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách là rất lớn, nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ lại còn nhiều bất cập; mặt khác những vấn đề đặt ra sau khi sắp xếp, sát nhập các thôn, tổ dân phố thì công việc nhiều, địa bàn rộng nhưng thu nhập lại rất thấp nên một số có tư tưởng dao động, chưa thật sự tâm huyết với công việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn, cụ thể:

Một là, sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và phụ cấp kiêm nhiệm đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xac, ở thôn, tổ dân phố; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị  - xã hội ở thôn, tổ dân phố; quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo hướng tăng mức hỗ trợ hàng tháng cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp cơ sở.

Hai là, tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW khóa XII. Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố và các đơn vị hành chính theo quy định của Trung ương.

Ba là, kiến nghị với Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương trong việc tạo điều kiện sắp xếp, bố trí cán bộ Đoàn quá tuổi quy định, khi tuyển vào công chức không thực hiện việc kiểm tra, sát hạch như đối với trường hợp trước khi giữ chức danh cán bộ đã là công chức và xem xét bố trí tăng thêm biên chế cán bộ, công chức cấp xã cho xã, phường, thị trấn loại II đượng tăng thêm 01 công chức và loại III thêm 02 công chức, để các xã, phường, thị trấn đủ biên chế thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Bốn là, để nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng bộ máy nhà nước ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần khuyến khích cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở thực hiện kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách. Cùng với việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cơ sở, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, gắn đào tạo lý luận với thực tiễn, nâng cao khả năng nhận thức, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào thực tiễn hoạt động ở từng địa phương.

Năm là, phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; tăng cường thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại cơ sở. Có những chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những người hoạt động không chuyên trách có cơ hội tốt để phát triển, được xét tuyển, ưu tiên tuyển dụng để trở thành cán bộ, công chức cấp cơ sở./.
     Bài, ảnh: Phạm Văn Phúc

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 77 trong 17 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 17 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết
Thăm dò ý kiến

Dự án Dân chấm điểm M-Score mang lại lợi ích gì?

Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay5,144
  • Tháng hiện tại314,938
  • Tổng lượt truy cập9,713,762
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây